|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng Thái dần lấp chỗ trống khi người dùng tẩy chay hàng Trung Quốc

11:57 | 23/02/2017
Chia sẻ
Hàng Thái nhanh chóng nắm bắt cơ hội và xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua các hệ thống siêu thị như Metro, Big C, B’s mart… Thái Lan đang chiếm nhiều ưu thế trong cạnh tranh khi có quy trình sản xuất hữu hiệu với chi phí thấp nhưng chất lượng cao.
hang thai dan lap cho trong khi nguoi tieu dung tay chay hang hang trung quoc
Theo chuyên gia Trương Công Nghĩa, khi Asean mở cửa, thuế suất giảm, thậm chí xuống bằng 0, hàng Thái sẽ trực tiếp đe dọa hàng Việt Nam. (Ảnh: Linh Lê)

Đó là nhận định của chuyên gia thị trường thương mại tự do Trương Công Nghĩa tại hội thảo Công bố kết quả điều tra người tiêu dùng Việt Nam 2016 và tham vấn cho Bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm tổ chức hôm nay (ngày 23/2).

Kết quả nghiên cứu của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (DN HVNCLC) cho thấy người tiêu dùng đang có tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt là ở ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi…

“Hàng Thái Lan nhanh chóng nắm thời cơ và thay thế chỗ trống thông qua hàng loạt hệ thống bán lẻ hiện đại như Metro, Big C, B’s mart… kết hợp với nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý 'sính ngoại' của người dân”, ông Trương Công Nghĩa nói.

Do yếu tố địa lý, ở phía Nam hàng Thái đã phổ biến từ lâu thông qua ngả Campuchia, trong khi các tỉnh phía Bắc mới chỉ du nhập một phần qua Lào. Khi Asean mở cửa, thuế suất giảm, thậm chí xuống bằng 0, hàng Thái sẽ trực tiếp đe dọa hàng Việt Nam.

Ông Nghĩa lý giải: “Kênh phân phối chỉ là khâu cuối ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, còn chính yếu nhất là Thái Lan có quy trình sản xuất hữu hiệu hơn với chi phí thấp và mẫu mã, chất lượng tốt. Hàng Việt Nam còn tồn tại vấn đề không kiểm soát được nguồn hàng (nhập hàng từ Trung Quốc về sản xuất), trong khi Thái Lan đã tạo được ngành công nghiệp phụ trợ và chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất”.

Báo cáo cũng cho biết, người tiêu dùng vẫn bị chi phối bởi quảng cáo. Thói quen mua theo thương hiệu quen thuộc khiến thị trường buộc phải có quảng cáo để khách biết đến sản phẩm. Khác với thành phố, ở nông thôn, mạng xã hội chưa phải kênh thông tin quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm.

Bên cạnh lo ngại về hàng giả, thực trạng “thực phẩm bẩn” cũng đáng báo động. Lo lắng lớn nhất của người tiêu dùng là chưa có nhiều thực phẩm sạch trên thị trường và họ buộc phải lựa chọn những sản phẩm dù biết không an toàn. Lo ngại kế tiếp là việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất.

Chuyên gia thị trường thương mại tự do đánh giá, nhìn chung mức độ tập trung người tiêu dùng ở tất cả các kênh phân phối không sôi động bằng những năm trước. Trong đó, kênh phân phối chợ giảm vị thế do hệ thống siêu thị hút khách, còn kênh phân phối cửa hàng chuyên, đại lý, tạp hóa vẫn ổn định nhờ tình thuận tiện.

Trong chừng mực nhất định, người Việt vẫn còn thói quen giao dịch trực tiếp. Hệ thống kênh phân phối online có khởi sắc nhưng chưa chiếm ưu thế, người tiêu dùng chỉ tập trung mua sắm trực tuyến nhiều nhất ở các ngành thời trang, mỹ phẩm và đồ điện tử.

Báo cáo của Hội DN HVNCLC là kết quả điều tra bình chọn doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC 2017 diễn ra trong 4 tháng cuối năm, trên cơ sở khảo sát gần 16.000 người trên cả nước. Trong đó, nội dung nghiên cứu có bao gồm ý kiến người tiêu dùng về việc hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.

Linh Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.