|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng Tết khó tăng giá mạnh

07:42 | 28/12/2016
Chia sẻ
Ngoài rau, củ, quả khan hiếm và có thể tăng giá dịp Tết, giá cả các mặt hàng khác sẽ khó tăng mạnh.

Thời tiết bất lợi kéo dài, mưa dầm ở Đà Lạt, mưa lũ ở miền Trung… khiến lượng cung rau xanh thiếu hụt, giá nhiều loại rau củ quả tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi ngày thường. Thêm vào đó, giá xăng dầu tăng kéo giá vận chuyển hàng từ các tỉnh về TP HCM tăng theo khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa Tết.

Khó giữ giá rau củ quả

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ bán lẻ trên địa bàn TP HCM, giá các loại cà chua, cà rốt, xà lách… Đà Lạt hiện vẫn duy trì ở mức 32.000-35.000 đồng/kg, dưa leo 25.000-28.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trước. Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Rau Anh Đào (Đà Lạt), cho biết giá cước vận chuyển rau từ Đà Lạt về TP HCM đã tăng khoảng 300.000-400.000 đồng/chuyến, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến giá rau ra thị trường. Nguồn cung rau chung của Đà Lạt và khu vực miền Trung đang giảm, có thể đến tháng 2-2017 mới phục hồi nên từ nay đến Tết, giá rau tươi sẽ có xu hướng nhích lên chứ không thể hạ nhiệt

Các loại rau củ được cho là mặt hàng nóng nhất trong dịp Tết nguyên đán sắp tới Ảnh: Ngọc Ánh

Trong khi đó, ghi nhận tại một số địa bàn miền Trung, nơi vừa hứng chịu liên tiếp những cơn lũ dữ, các mặt hàng rau củ quả trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Giá cả tại vườn đã tăng gấp đôi, gấp 3 so với trước lũ. Ngay cả những vườn rau, hoa chuẩn bị cho Tết cũng bị lũ cuốn trôi. Chợ trung tâm TP Tuy Hòa (Phú Yên) những ngày này, các hàng rau xanh đều được mua từ Đà Lạt về bán lại. Còn rau xanh được sản xuất trong các vùng ra tỉnh này đều vắng bóng.

Tại xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), vùng rau lớn nhất của tỉnh Phú Yên, ngày 27-12, nhiều người đang xuống giống đợt 4 để chuẩn bị nguồn hàng cho đợt Tết sắp tới. Tuy nhiên, từ nay đến Tết nguyên đán chỉ còn 1 tháng nữa nên nhiều loại rau như xà lách, rau thơm sẽ không kịp lên để thu hoạch trong dịp Tết. “Tết này giá rau phải nói là ở trên trời, mà không có rau để mua nữa” - bà Trần Thị Thượt, một người trồng rau ở xã Bình Ngọc, cho hay.

Dù vậy, theo lãnh đạo Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, dự kiến nguồn hàng Tết về chợ năm nay vẫn tăng 13% so với năm trước nên giá cả nhìn chung không biến động mạnh nhưng sẽ có sự tăng giảm đối với từng mặt hàng cụ thể (nếu hàng về nhiều thì giá hạ, ngược lại giá tăng). Hiện nay, 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức có mối liên hệ chặt chẽ nên nếu chợ này có mặt hàng nào hút, giá tăng thì chợ kia sẽ điều chuyển hàng sang ổn định lại giá. Do vậy, việc bảo đảm cho hàng hóa lưu thông thông suốt, không bị tắc nghẽn sẽ góp phần ổn định giá cả hàng hóa.

Trông chờ vào hàng bình ổn

Về tác động của đợt tăng giá xăng vừa qua đối với giá hàng Tết, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, khẳng định giá cả sẽ không tăng, nhất là hàng bình ổn bởi Saigon Co.op đã tích cực phối hợp với các nhà cung cấp có kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2 đến 4 lần từ giữa năm. Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết được Saigon Co.op dự trữ dịp này là hơn 110.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5% đến 30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng trưởng khác nhau từ 10% - 30%. Để điều tiết nhóm hàng rau củ quả tươi sống trong những ngày Tết, Saigon Co.op đã làm việc với các HTX lớn để vận động một số nông dân thu hoạch rau quả từ mùng 1 Tết để mùng 2 Tết có hàng tươi trên kệ. Các hệ thống siêu thị Big C, Lotte Mart… cũng đã làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp từ trước về việc giữ ổn định giá, triển khai các chương trình khuyến mãi Tết nên sẽ ít có thay đổi lớn.

Theo các doanh nghiệp (DN), tác động của giá xăng dầu lên giá cả thị trường chung thường không xảy ra lập tức mà có độ trễ nhất định.

Tuy nhiên, do nguồn hàng chuẩn bị cung ứng Tết lớn, sức mua chậm nên nhiều DN không tính đến chuyện tăng giá mà tập trung giữ giá, khuyến mãi để bán hàng.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết 70% trứng công ty mua vào theo dạng bao tiêu nên có giá ổn định. 30% còn lại thu mua từ các trại không có hợp đồng, mới đây giá thu mua đã nhích nhẹ. Giá xăng tăng có ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển của công ty nhưng không đáng kể. “Vĩnh Thành Đạt tham gia bình ổn thị trường, cam kết không tăng giá trong 2 tháng trước và sau Tết nên dù chi phí có tăng, các DN bình ổn thị trường vẫn gồng gánh để thực hiện đúng trách nhiệm được TP HCM giao” - ông Trương Chí Thiện cho biết.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho hay 3 DN lớn là Ba Huân, Phạm Tôn và San Hà đều đầu tư mở rộng quy mô, bảo đảm ổn định giá; các DN đã cam kết giảm giá 10% vào 3 ngày cận Tết để phục vụ người dân.

Riêng với ngành hàng thịt heo, theo thông lệ những ngày cao điểm 27-28 tháng Chạp, nhu cầu thị trường TP HCM tăng 100% - 120% ngày thường nên rất dễ biến động giá. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Liễu, một thương lái lớn chuyên cung cấp heo mảnh ra các chợ truyền thống tại quận 7, 8 và huyện Nhà Bè, giá heo hơi hiện nay chỉ 38.000 đồng/kg (dưới giá thành sản xuất của người nuôi - PV) và nguồn cung tại các trang trại rất dồi dào vì không phải cạnh tranh với thương lái gom hàng đi Trung Quốc. Vì vậy, giá thịt heo Tết này không chỉ ổn định tại các siêu thị mà tại các chợ cũng sẽ khó tăng.

Mãng cầu sẽ được giá

Theo ông Trần Trung Kiên - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất na, mãng cầu Suối Đá (tỉnh Tây Ninh) - được chứng nhận VietGAP, giá mãng cầu Tết năm nay có khả năng tăng 50% so với năm trước, từ 70.000-80.000 đồng/kg (giá sỉ). Lý do là dịp Tết nhu cầu đối với mặt hàng này rất cao nhưng năm nay thời tiết bất lợi, hụt hàng.

Ngọc Ánh - Thanh Nhân - Hồng Ánh