|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp rục rịch chạy hàng Tết

14:51 | 12/10/2016
Chia sẻ
Chỉ còn vài tháng nữa là tới tết Đinh Dậu 2017 nhưng không ít doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch sản xuất hàng hóa cũng như kế hoạch phân phối để phục vụ người tiêu dùng.
doanh nghiep ruc rich chay hang tet
Một số hệ thống phân phối lớn vẫn chưa công bố kế hoạch cung ứng, phân phối hàng Tết. (Nguồn: Trần Việt)

Sẵn sàng

Chiếm tới 65% thị phần xúc xích hay 75% thị phần lạp xưởng, sở hữu hệ thống phân phối đa dạng phong phú với hơn 130.000 điểm bán trên toàn quốc, Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ VISSAN từ đầu tháng 6 đã lập kế hoạch sản xuất- kinh doanh cho đợt tết Đinh Dậu 2017 dựa trên kết quả thực hiện đợt tết Bính Thân 2016 cũng như dự báo tình hình những tháng cuối năm 2016 và năm 2017.

Theo đó, Công ty đã xây dựng kế hoạch cung ứng các sản phẩm thịt tươi sống gồm thịt lợn và thịt bò với sản lượng 3.000 tấn và 3.200 tấn thực phẩm chế biến các loại. Ngoài ra, Vissan còn dự trữ thêm từ 15- 20% sản lượng hàng hóa phòng khi thị trường có biến động. Với khối lượng nguyên liệu, hàng hóa dự trữ cho đợt Tết năm nay, Công ty đã chuẩn bị nguồn vốn 650 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) này cũng có kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, thu mua, dự trữ hàng hóa để dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất Tết và dự trữ sau Tết. Sản phẩm của VISSAN sẽ được phân phối rộng khắp thông qua hệ thống 49 cửa hàng thực phẩm VISSAN; 96 cửa hàng Coopfood; 85 cửa hàng Satrafood; 36 siêu thị, trung tâm thương mại; 3 cửa hàng thực phẩm VISSAN và điểm bán tại khu vực miền Bắc…

Cùng với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ, sản xuất hàng hóa, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc VISSAN cho biết, Công ty thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến trong hệ thống phân phối của công ty nhằm thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, chia sẻ lợi nhuận đối với người tiêu dùng.

“Chúng tôi cam kết sẽ không tăng giá hàng hóa trong dịp tết Nguyên đán và có chương trình khuyến mãi phù hợp trong các ngày Tết tại các điểm bán ở siêu thị và cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty tại TP.HCM nhằm chia sẻ với người lao động có thu nhập trễ đón Tết”, ông Mười cho hay.

Cũng là một DN sản xuất, phân phối mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết, Công ty Bánh kẹo Tràng An dự kiến tung ra thị trường 2.500 tấn bánh kẹo (tăng 13% so với cùng kỳ Tết năm 2016) với doanh thu dự kiến đạt 315 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước). Ông Trịnh Sỹ, Tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Tràng An cho hay, năm nay, DN sẽ có nhiều loại sản phẩm để phục vụ Tết như: Kẹo đóng hộp nhựa (13 sản phẩm); kẹo đóng hộp thiếc (5 sản phẩm); bánh đóng hộp duplex (15 sản phẩm); bánh các loại đóng hộp thiếc (10 sản phẩm). Đặc biệt, Công ty còn tung ra 2 loại sảm phẩm mới là bánh dứa (sản xuất bằng dứa quả tươi- công nghệ Đài Loan) và bánh Biscuis kem mứt hoa quả để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết.

Tuy vậy, cũng còn nhiều DN chưa “bật mí” kế hoạch chuẩn bị hàng Tết của mình với nhiều lý do. Cùng kinh doanh ngành hàng xúc xích, sản phẩm từ thịt nhưng đến thời điểm này Công ty CP Thực phẩm Đức Việt vẫn chưa công bố kế hoạch hàng Tết. Một số DN lớn trong lĩnh vực phân phối như hệ thống Big C, Saigon Co.op cũng chưa có kế hoạch cụ thể.

Nhu cầu đã chuyển hướng

Theo đánh giá của một số DN, chuyên gia về bán lẻ, thị trường Tết năm nay sẽ không có nhiều biến động so với năm trước, hàng Tết sẽ dồi dào, không sốt giá, tăng đột biến. Song sức mua của thị trường như thế nào thời điểm này chưa thể dự báo chính xác.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thời điểm này nói về hàng Tết còn hơi sớm. Khi muốn dự báo về sức mua cũng như nhu cầu thị trường cần phải chú ý đến nhóm người giàu (chiếm 15%) và người nghèo. Bên cạnh đó, vấn đề về dịch bệnh, thời tiết cũng ảnh hưởng đến sức mua.

Có một đặc điểm rất đáng lưu ý là, hiện nay xu hướng “chơi Tết” nhiều hơn là “ăn Tết” nên nhu cầu dự trữ, tích trữ hàng hóa của người tiêu dùng giảm.

Đồng quan điểm trên, ông Mười nhận định, người dân đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn những sản phẩm có uy tín thương hiệu; các sản phẩm đặc trưng trong Tết như giò lụa, lạp xưởng được tiêu dùng phổ biến trong năm, tính chất thời vụ không còn rõ nét và tập trung tiêu thụ nhiều như trước. Thêm nữa, các điểm phân phối hàng hoá bán hàng ngay ngày mùng 2 Tết nên người tiêu dùng không còn dự trữ thực phẩm Tết nhiều và có xu hướng du lịch dài ngày trong Tết ngày càng phổ biến.

Nhận rõ xu hướng này nên các DN cũng có sự chuẩn bị nhất định trong việc cung ứng hàng Tết. Ví dụ như Công ty Bánh kẹo Tràng An, mặc dù lượng hàng DN này chuẩn bị tăng gấp rưỡi so với năm 2016 nhưng mức tăng này là do DN “tung” ra mẫu mã mới để chiếm lĩnh thị trường. Điều mà các DN quan tâm hơn cả là vấn đề kiểm soát giá cả trên thị trường, hàng lậu, hàng giả trong dịp Tết. Tại thị trường Hà Nội, ông Sỹ kiến nghị rằng, Nhà nước không nên thành lập bình ổn giá trong dịp Tết vì rất tốn kém nhưng không có tác động gì tới thị trường. Được biết, Sở Công Thương Hà Nội nhiều năm nay vẫn duy trì chương trình bình ổn giá với lãi suất thấp, trong khi TP.HCM đã bỏ chương trình này.

Theo Phan Thu

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.