Hàng Nhật nội địa đổ bộ thị trường Việt Nam
Sáng nay, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật bản (Jetro) đã tổ chức Họp báo giới thiệu chương trình "Định hướng sau COVID-19, triển lãm kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng Nhật Bản".
Chương trình lần này có sự tham gia của 46 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, để đàm phán, kết nối online với các nhà phân phối, bán lẻ tại Việt Nam.
Theo ông Abe Tomofumi, Giám đốc dự án Jetro tại Hà Nội, 50% trong số này là những doanh nghiệp Nhật Bản mới, lần đầu tiên tham gia thị trường Việt Nam. 50% doanh nghiệp còn lại đều là những cái tên quen thuộc, nhưng lần này họ đem đến Việt Nam những sản phẩm hoàn toàn mới.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê giai đoạn 2009 - 2019, Jetro cho biết doanh thu bán lẻ tại thị trường Việt Nam đã tăng trưởng gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Từ hơn 1.000 tỉ đồng doanh thu năm 2009 lên 3.700 tỉ đồng năm 2019 trong lĩnh vực bán lẻ.
Giám đốc dự án Jetro nhận định, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.
Do đó, từ năm 2014 đến nay, Jetro đã liên tiếp tổ chức chương trình kết nối thường niên, đưa hàng tiêu dùng Nhật xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam.
Không tiết lộ con số cụ thể về hiệu quả chương trình, nhưng ông Abe Tomofumi cho biết: "Qua các lần tổ chức trước đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã kí kết được các đơn hàng phân phối mỹ phẩm, đồ gia dụng với các nhà sản xuất Nhật Bản".
Nhận định đại dịch COVID-19 thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, do đó các sản phẩm mà doanh nghiệp Nhật Bản đem tới Việt Nam lần này cũng thay đổi so với những năm trước.
Theo khảo sát của Jetro, sau đại dịch thói quen của người tiêu dùng Việt Nam thay đổi, 69% người được hỏi cho biết đã có thói quen nấu ăn tại nhà, 56% dành nhiều thời gian tập luyện thể thao hơn và 85% có thói quen rửa tay.
Do đó, các sản phẩm tiêu dùng được các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung lần này gồm: nước rửa tay, khẩu trang, xà phòng, thực phẩm bổ sung vitamin.
Cũng theo khảo sát của Jetro, trong những năm gần đây các sản phẩm tiêu dùng Nhật Bản được người Việt chọn mua nhiều nhất là đồ dùng, dụng cụ nhà bếp chiếm 28,9%.
Đứng thứ hai và thứ ba là các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ và sản phẩm vệ sinh, chiếm 22,2%. Cuối cùng là các sản phẩm cho trẻ, nội thất và văn phòng phẩm.
Hàng Nhật nội địa được lòng người tiêu dùng Việt Nam nhờ độ bền, đẹp, tính năng thông minh, lành tính, được sản xuất từ các nguyên liệu an toàn.
Tuy nhiên, theo Jetro trong thời gian qua các sản phẩm tiêu dùng Nhật Bản vẫn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận thị trường Việt Nam, chủ yếu là về mặt giá cả. Các sản phẩm đến từ Nhật thường có giá cao hơn rất nhiều so với những sản phẩm cùng tính năng đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ngoài ra, khác biệt về văn hoá, cách in ấn bao bì, khả năng giao tiếp kết nối với người tiêu dùng Việt cũng là một trong những thách thức cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản khi muốn tiến vào thị trường nhiều tiềm năng này.
Việt Nam là điểm đến yêu thích của doanh nghiệp Nhật Bản
Mới đây, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, vừa qua một nửa trong số doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ để tăng cường, mở rộng chuỗi cung ứng đã lựa chọn Việt Nam.
Theo Jetro, cuối tháng 7, 30 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đã nhận được tiền trợ cấp từ Chính phủ để mở rộng hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Trong số đó, 15 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ của Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo.
Chương trình này nằm trong dự án trị giá 70 tỉ yen, tương đương hơn nửa tỉ USD của Chính phủ Nhật Bản nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất tại Trung Quốc đa dạng hoá chuỗi cung ứng, mở rộng sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Đến nay, đã có khoảng hơn 100 công ty Nhật Bản đăng kí dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng do Chính phủ nước này phát động.
Trong năm 2019, Nhật Bản cũng là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn nhất, với tổng vốn đăng kí đạt 8 tỉ USD, chiếm 31%. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam tăng và đạt kỉ lục với 630 dự án và là năm thứ 4 liên tiếp tỉ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng.
Hiện nay, tín hiệu này càng lạc quan hơn khi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam là một điểm đến được quan tâm hàng đầu.