Hàng loạt dự án treo tại Mê Linh: Chủ đầu tư chung 'số phận'
Nhiều khách hàng dù đã nộp gần 90% tiền hợp đồng góp vốn tại một số dự án thuộc khu đô thị Mê Linh (Hà Nội) nhưng đến nay sau gần 10 năm vẫn chưa biết khi nào dự án triển khai.
Để tiếp tục triển khai dự án sẽ phải chờ Thành phố duyệt và thực hiện rất nhiều bước tiếp theo
Chủ đầu tư chung “số phận”!
Tại buổi gặp mặt khách hàng mới đây, ông Hoàng Văn Trường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển 18 cho biết, kết luận thanh tra đối với dự án Khu chung cư cao tầng và Nhà ở cán bộ công nhân viên các Khu công nghiệp hiện không còn vướng mắc gì. Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai dự án phải thực hiện rất nhiều bước, trước hết là trình, duyệt hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 1/500, sau đó Thành phố mới có cấp phép và triển khai các hạng mục tiếp theo.
“Bản thân chủ đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn, hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực. Chúng tôi cũng mong sớm triển khai để được thu hồi vốn bởi nếu bà con thiệt hại một thì doanh nghiệp chúng tôi thiệt hại gấp nhiều lần” – ông Trường nói.
Tương tự, trước đó đại diện dự án Khu nhà ở ven sông Long Việt cho rằng, dự án cơ bản đã được đền bù, nhưng chỉ còn 500m đất thuộc địa phận rìa sông, do thiếu quyết định thu hồi của huyện mà sự việc diễn ra trong thời gian dài không được giải quyết.
Với dự án Hoàng Vân, đại diện đơn vị này nêu ý kiến: “Năm 2006, Thủ tướng phê duyệt 2.300 ha, tuy nhiên khi huyện Mê Linh sáp nhập với Thành phố Hà Nội các quyết định trên lại hoàn toàn bị thay đổi, tất cả các dự án đều phải điều chỉnh lại từ quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho dự án đến thiết kế thi công… Quy định thay đổi, thủ tục rườm rà diễn ra trong thời gian quá dài khiến doanh nghiệp chới với, thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Đây cũng là lý do chính làm chậm tiến độ thời gian thi công”.
Thêm vào đó, có dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, giải phóng xong mặt bằng nhưng do Nhà nước thiếu đất dịch vụ nên bị người dân phản đối dẫn đến tiến độ dự án bị chậm trễ.
Điều này đẩy doanh nghiệp đứng trước khó khăn, không tiến cũng không thể lùi khi dự án không thể triển khai được.
Bao giờ dự án “hồi sinh”?
Trước đó ngày 27/2, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường có Quyết định số 339/QĐ – STNMT – TTr về Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn huyện Mê Linh, TP Hà Nội.
Kết luận Thanh tra đã chỉ rõ, cơ bản các đơn vị đã nộp hồ sơ đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500
Ngày 17/5/2019, kết luận thanh tra đã chỉ rõ, cơ bản các đơn vị đã nộp hồ sơ đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500…
Về việc sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu chung cư cao tầng và Nhà ở cán bộ công nhân viên các Khu công nghiệp do Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển 18 làm chủ đầu tư, kết luận nêu rõ, công ty đã thực hiện đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng diện tích 152.656,8m2; diện tích 5.120,2m2 chưa giải phóng mặt bằng do các hộ dân không chấp nhận giá đền bù, hỗ trợ đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc và UBND huyện Mê Linh phê duyệt.
Công ty đã san lấp mặt bằng, triển khai thi công hệ thống giao thông, cấp thoát nước trên diện tích đã giải phóng mặt bằng đạt 70%, nhưng chưa triển khai thực hiện dự án theo tiến độ được phê duyệt.
“Việc chậm tiến độ thực hiện dự án có nguyên nhân khách quan là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; dự án phải tạm dừng để rà soát, điều chỉnh quy hoạch và lập dự án đầu tư trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với các Sở, ngành để được hướng dẫn điều chỉnh về quy hoạch,…” – Kết luận Thanh tra cho thấy.
Tương tự, tại Kết luận Thanh tra đối với Dự án Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phúc Việt cho thấy, dự án đã thưc hiện giải phóng mặt bằng 96%, hạ tầng giao thông tại dự án đã hoàn thiện các đường trục chính và trục nhánh.
Theo tìm hiểu của phóng viên phần lớn đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng họ gặp rắc rối nhiều nhất trong công tác điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính quá rườm rà, nhiều dự án đang bị yêu cầu tính lại tiền sử dụng đất theo cách tính của Hà Nội, chứ không chấp nhận cách tính của tỉnh Vĩnh Phúc trước đây.
Trước những phản ánh của khách hàng và doanh nghiệp, phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên hệ làm việc với ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh. Song, ông Trọng cho biết thời điểm hiện tại đoàn Thanh tra mới thực hiện thanh tra xong một số dự án chứ chưa phải tất cả.
“Khi nào thực hiện xong, UBND huyện sẽ phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường báo cáo tổng thể với Chính phủ và thông tin cho báo chí” – ông Trọng nói.