|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng giảm sâu trong tháng 1

18:31 | 03/02/2021
Chia sẻ
Trong tháng 1 ghi nhận 20/25 mã ngân hàng giảm giá. Trong đó, nhiều cổ phiếu giảm sâu như PGB (-32,6%), BVB (-19,3%), BID (-16,7%), SGB (-15,3%), OCB (-14,4%),...
1AVAR1.png

Ảnh minh họa. (Nguồn: Đức Bùi)

20/25 mã ngân hàng giảm giá trong tháng 1/2021

Cổ phiếu ngân hàng đã trải qua năm 2020 thăng hoa với mức tăng bình quân 27,6% (theo giá đã điều chỉnh), cao hơn nhiều mức tăng của VN-Index (+14,9%). Trong đó có tới 21 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá trong năm 2020.

Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2020, cùng với xu hướng điều chỉnh của thị trường chung, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc với mức giảm hàng chục % .

Tính chung trong tháng giao dịch đầu tiên năm 2021, số cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo với 20/25 mã, 4 mã tăng giá và 1 mã đứng giá. 

Giảm sâu nhất trong tháng 1, PGB của PGBank khởi đầu năm 2021 với giá 17.800 đồng/cp nhưng đến ngày 29/1, cổ phiếu này đã giảm về 12.000 đồng/cp, tương ứng mức giảm gần 33%. 

Sự lao dốc này đẩy vốn hóa thị trường của PGBank xuống thấp nhất ngành, ở mức 3.600 tỷ đồng, kém 100 tỷ đồng so với ngân hàng đứng kế trên là VietCapital Bank.

145795040_2852822631667946_8578016376410630970_n.png

Nguồn: Quang Hưng tổng hợp

Tại BVB của Ngân hàng Bản Việt, thị giá cổ phiếu này cũng liên tục giảm từ giữa tháng 1. Chốt phiên giao dịch ngày 29/1, giá BVB đạt 11.700 đồng/cp, tương ứng mức giảm hơn 19% so với cuối năm 2020.

BID cũng nằm trong danh sách 3 cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất. Khởi đầu với mức 47.900 đồng, giá cổ phiếu này đã mất 8.000 đồng/cp, tương đương 16,7% xuống còn 39.900 đồng vào cuối tháng 1.

SGB cũng giảm trên 15% chỉ trong tháng đầu tiên năm 2021. Vừa qua, ngân hàng này đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 với mức lỗ trước thuế hơn 56 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 40 tỷ đồng  trong quý IV/2019. Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế Saigonbank đạt 121 tỷ đồng, giảm 33%.

Trong Top 5 cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất có sự góp mặt của OCB - mã mới lên HOSE từ ngày 28/1. Chào sàn đúng phiên lao dốc mạnh nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, giá OCB đã giảm kịch mức cho phép 19,9% so với mức tham chiếu 20.900 đồng/cp. Mặc dù cổ phiếu này đã hồi phục, tăng gần 7% vào ngày 29/1 nhưng tính chung cả tháng 1, OCB vẫn giảm 14,4%.

Ngoài 5 cổ phiếu kể trên, còn có 7 mã ngân hàng khác giảm trên 10% trong tháng 1/2021 bao gồm NAB (-14,2%), SHB (-14,1%), EIB (-12,5%), CTG (-11,7%), ABB (-11,1%), KLB (-10,9%) và  MSB (-10,1%).

Ngược lại, chỉ có 4 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tháng qua. Trong đó, thị giá NVB tăng đột biến 29% với 11 phiên tăng, 7 phiên giảm và 2 phiên đứng giá.

Ba mã tăng giá còn lại gồm LPB và MBB (+2%), TCB (+1,6%). 

Thanh khoản cổ phiếu ngân hàng đạt kỷ lục

Trong tháng 1, có tổng cộng hơn 3,88 tỷ cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 91.900 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất của ngành ngân hàng kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động tháng 7/2000.

Tháng vừa qua, SHB sở hữu thanh khoản cao nhất ngành với khối lượng giao dịch gần 764 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt gần 13.500 tỷ đồng (tương ứng hơn 38 triệu cp/phiên). Đỉnh điểm, khối lượng giao dịch SHB đạt kỷ lục hơn 72 triệu đơn vị vào ngày 13/1, tương ứng giá trị hơn 1.370 tỷ đồng.

STB cũng duy trì khối lượng giao dịch ở mức cao với hơn 733 triệu đơn vị, giá trị đạt trên 13.900 tỷ đồng (tương đương 36,6 triệu cp/phiên).

Thanh khoản STB tăng mạnh trong bối cảnh Kienlongbank mới đây xác nhận đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu này để xử lý nợ xấu. Kienlongbank cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc bán toàn bộ 176,4 triệu cổ phiếu STB và tất toán nợ vay có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021.

MBB, TCB, LPB, CTG và ACB lần lượt đứng kế sau với mức thanh khoản theo tháng dao động từ 200 đến 450 triệu đơn vị.

145400946_1132611020500918_3952857971208729321_n.png

Nguồn: Quang Hưng tổng hợp

Quốc Thụy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.