|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng loạt chính sách quan trọng về ngân hàng, xây dựng, giáo dục có hiệu lực từ tháng 9

20:53 | 29/08/2021
Chia sẻ
Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022, hướng dẫn chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư,… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2021.

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, Thông tư bổ sung Điều 1a tại Thông tư số 26 như giảm 50% mức phí thanh toán tại Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ 1/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 19 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 13 được ban hành để tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 và triển khai thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Hướng dẫn chi cho kiểm định chất lượng giáo dục

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2021/TT-BTC hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên.

Đối với chi hoạt động tự đánh giá, Thông tư nêu rõ, cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để chi cho hoạt động tự đánh giá.

Đối với chi hoạt động đánh giá ngoài, Thông tư quy định các khoản chi tiền công cho thành viên đoàn đánh giá ngoài như sau: Căn cứ khả năng kinh phí thực hiện hoạt động đánh giá ngoài, giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài (trưởng đoàn, thư ký, thành viên) phù hợp với vai trò của từng thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài và thực tế tại địa phương.

Thông tư số 56/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 1/9/2021.

Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Nghị định số 69 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Nghị định số 69 quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhà chung cư cũ chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh thể hiện các kết cấu chịu lực chính xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. 

Các nhà chung cư bị hư hỏng nặng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải phá dỡ.

Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường…

Nghị định cũng nêu rõ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 61 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Theo đó, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được xây dựng theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng ở mức phấn đấu tích cực, khả thi. 

Cụ thể, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

Thông tư nêu rõ, xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập.

Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tư số 61 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/9/2021.

Mức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm

Thông tư số 67 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2021.

Đối tượng nộp phí gồm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu; thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… 

Thông tư quy định cụ thể các mức phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Theo quy định tại Thông tư số 67, trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được, để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định; nộp 30% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. 

Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2021.

Như Huỳnh