|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt Việt Nam - Trung Quốc liên tục tăng

14:49 | 13/12/2024
Chia sẻ
Theo thống kê, trong 11 tháng của năm nay, chuyến tàu container hai chiều đã vận tải 33.400 TEU container, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 145%, trong đó nhập cảnh Trung Quốc 12.400 TEU container, so với cùng kỳ tăng 29%; từ Trung Quốc xuất cảnh Việt Nam 21.000 TEU container, so với cùng kỳ tăng 460%.

Từ năm 2020 đến nay, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc liên tục tăng. Năm 2022 ghi nhận sản lượng vận chuyển bằng tuyến đường sắt này đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn. Năm 2023, khối lượng giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Sang năm 2024, khối lượng hàng hóa liên vận quốc tế đã từng bước phục hồi và tăng trưởng.

Phát biểu tại Hội nghị đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 44 diễn ra ngày 12/12, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trên tinh thần hợp tác hữu nghị, những vấn đề liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã được các thành viên trong hai đoàn thống nhất.

Ông cho biết, Nghị định thư liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ kịp thời giải quyết những phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi để thúc đẩy hàng hóa, hành khách liên vận quốc tế và khách du lịch giữa hai nước.

Hội nghị cũng thống nhất về công tác tổ chức vận tải, vận tải hành khách, hàng hóa, thiết bị thông tin, các vấn đề kĩ thuật khác… mang lại lợi ích về đường sắt của hai bên, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Cục Đường sắt Việt Nam đang được Bộ GTVT giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc nghiên cứu sửa đổi Hiệp định đường sắt biên giới ký năm 1992 với mục đích tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp.

"Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, hy vọng sẽ nhận được sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc trong quá trình trao đổi, đàm phán sửa đổi Hiệp định", ông Cảnh nhấn mạnh.

Sau gần 4 năm gián đoạn tổ chức Hội nghị Đường sắt Biên giới Việt - Trung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành đường sắt hai nước đã nỗ lực thực hiện đúng các điều khoản của Nghị định thư Hội nghị lần thứ 43, đồng thời phối hợp chặt chẽ tạo điều kiện tối đa cho nhau trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong vận tải hàng hóa.

Phía đường sắt Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các tuyến đường sắt kết nối cửa khẩu hai nước như cải tạo, nâng cấp tuyến Nam Ninh - Bằng Tường kết nối cửa khẩu đường sắt với ga liên vận quốc tế Đồng Đăng của Việt Nam…

Kể từ năm 2024, chuyến tàu container thông quan nhanh quá cảnh được tổ chức chạy thường xuyên, rút ngắn thời gian chạy tàu, không ngừng nâng cao hiệu quả. Quy mô và chất lượng chuyến tàu container tiếp tục được nâng cao, trở thành con đường nhanh chóng thúc đẩy thương mại.

Thống kê trong 11 tháng của năm nay, chuyến tàu container hai chiều đã vận tải 33.400 TEU container, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 145%, trong đó nhập cảnh Trung Quốc 12.400 TEU container, so với cùng kỳ tăng 29%; từ Trung Quốc xuất cảnh Việt Nam 21.000 TEU container, so với cùng kỳ tăng 460%.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cũng đang tích cực triển khai chuẩn bị đầu tư ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam-Trung Quốc gồm: Tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phấn đấu khởi công trong năm 2025, cũng như lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. 

Hạ An