Hàng có đủ giấy chứng minh xuất xứ và chất lượng, siêu thị bán rất dễ
Những rào cản trong quá trình hợp tác để tạo nên chuỗi cung ứng khép kín, chẳng hạn như vấn đề giấy chứng minh xuất xứ và chất lượng sản phẩm, là một phần nội dung trong hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập tại trụ sở Bộ Công thương hôm 6/10.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch điều hành Quan hệ công chúng và Trách nhiệm xã hội của Central Group Việt Nam, nhận định các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam khá bỡ ngỡ với những thủ tục cần thiết để đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị Big C. Theo bà, là nhà phân phối, Big C phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tuân thủ các quy định của chính phủ. Vì thế, siêu thị phải yêu cầu doanh nghiệp có đủ giấy tờ để chứng minh xuất xứ, chất lượng, sự an toàn của hàng hóa.
“Nhưng nhiều doanh nghiệp chưa biết cách hoàn thiện những giấy tờ đó. Chuỗi cung ứng chỉ có thể thành công khi các bên liên quan phối hợp chặt chẽ, kết hợp với sự chỉ đạo, hỗ trợ của cơ quan quản lý”, bà nói.
Các nhà quản lý thảo luận trong hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập tại trụ sở Bộ Công thương hôm 6/10. Ảnh: Chí Phong |
Phó chủ tịch điều hành Central Group Việt Nam nói thêm rằng, người tiêu dùng ngày nay rất quan tâm tới chất lượng, xuất xứ và sự an toàn của sản phẩm.
"Chẳng hạn, khi doanh nghiệp có giấy chứng nhận sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn VietGap, khách hàng mua sản phẩm rất nhanh và nhiều", bà giải thích.
Sản lượng ổn định cũng là một yêu cầu của siêu thị khi nhập hàng, đặc biệt là nông sản. Nhưng bà Lê Thị Mai Linh cho biết, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể đảm bảo sự ổn định về sản lượng.
"Đây là khó khăn, nhưng tôi thấy nó cũng là cơ hội", bà nhận xét.
Trước khi hội thảo diễn ra, báo VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) khẳng định các hệ thống siêu thị rất thân thiện và chào đón nhà cung cấp mới. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành tiêu dùng nhanh và thực phẩm lại không đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng nên siêu thị phải “lắc đầu”.
“Doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành này cũng thường mắc phải điểm yếu là bao bì, mẫu mã kém hấp dẫn và chậm nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để kịp thời thay đổi. Ngoài ra, một rào cản khác quy mô sản xuất nhỏ lẻ khiến nguồn cung hàng hóa không đảm bảo tính liên tục và lâu dài, trước mắt là cho 150 cửa hàng của Satra chứ chưa nói đến các hệ thống khác”, ông Khoa nhận định.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu trong hội nghị. Ảnh: Chí Phong |
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhận định tham gia chuỗi cung ứng là việc bình thường đối với mọi doanh nghiệp hiện nay, song vấn đề là doanh nghiệp có gì để tham gia, sản phẩm có đủ sức cạnh tranh không và giá thế nào. Theo ông, nếu giá quá cao và hàng hóa không phù hợp, siêu thị sẽ không chấp nhận.
Đồng tình với quan điểm của ông Hoàng Vệ Dũng, ông Phạm Thanh Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, nói rằng chất lượng cao là điều kiện tiên quyết mà mọi doanh nghiệp phải đảm bảo trước khi muốn tham gia chuỗi cung ứng.
“Dù chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, song chất lượng hàng Việt phải tốt và giá phải hợp lý để người Việt muốn dùng”, ông nói.