|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu số 1 của Việt Nam

07:40 | 26/06/2017
Chia sẻ
Trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng 18,4% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu tăng 24,7%. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thâm hụt gần 2,5 tỉ đô la Mỹ.

Sự vươn lên của Hàn Quốc với vị trí là thị trường nhập siêu số 1 của Việt Nam là diễn biến đáng chú ý. Hàn Quốc đã có sự vươn lên rõ rệt trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Điều này được lý giải do các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

han quoc tro thanh thi truong nhap sieu so 1 cua viet nam
Hàn Quốc đã có sự vươn lên rõ rệt trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Điều này được lý giải do các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử của một doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: HÙNG LÊ.

Cả xuất và và nhập đều tăng

Số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu trong tháng 5-2017 của Việt Nam đạt 17,93 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,3% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu năm tháng đầu năm nay lên gần 79,98 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu có mức tăng nhanh hơn, đạt gần 18,46 tỉ đô la Mỹ trong tháng 5, tăng 6,4% so với tháng 4, qua đó giúp tổng kim ngạch tính đến hết tháng 5 đạt 82,47 tỉ đô la Mỹ, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thâm hụt gần 2,5 tỉ đô la Mỹ trong năm tháng đầu năm, trái ngược so với mức thặng dư 1,37 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm 2016.

Khối doanh nghiệp trong nước, như thông lệ, tiếp tục là tác nhân chính dẫn đến nhập siêu với mức thâm hụt lên tới 9,31 tỉ đô la Mỹ trong khi khối FDI đạt thặng dư 6,91 tỉ đô la Mỹ.

Trong năm tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 32,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc vươn lên là đối tác thương mại lớn thứ hai với 23,9 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 45,2%. Mỹ đánh mất vị trí thứ hai, trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch 19,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,9%; thị trường EU (28 nước) là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch hai chiều là 19,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,3%.

Trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam thì chỉ có ba thị trường đạt thặng dư thương mại. Trong đó, Mỹ là đối tác đem lại thặng dư thương mại lớn nhất với 12 tỉ đô la Mỹ; tiếp theo là thị trường EU với thặng dư 10,03 tỉ đô la Mỹ; thị trường Nhật Bản đạt được thặng dư nhỏ 152 triệu đô la Mỹ.

Trong khi đó, về thâm hụt thương mại, Hàn Quốc đã soán ngôi đầu của Trung Quốc, trở thành đối tác mà Việt Nam nhập siêu nhiều nhất với giá trị thâm hụt 12,96 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ hai là Trung Quốc với 11,5 tỉ đô la Mỹ; thứ ba là Đài Loan với 3,9 tỉ đô la Mỹ.

Xuất khẩu than đá và rau quả tăng đột biến

Có vẻ như Hàn Quốc đang tận dụng hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc tốt hơn Việt Nam, khi xuất khẩu của ta sang họ tăng 34,4% nhưng nhập khẩu từ họ sang ta lại tăng tới 52%.

Đi sâu vào từng thành phần thì riêng kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng có giá trị lớn nhất đã là 57,37 tỉ đô la Mỹ, chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Số lượng nhóm hàng đạt kim ngạch trên một tỉ đô la Mỹ là 17/46 nhóm, tăng thêm năm nhóm so với cùng kỳ năm trước.

Hai nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và điện thoại, các loại linh kiện có giá trị xuất khẩu lên tới 25,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 32% tổng kim ngạch. Tiếp theo là nhóm hàng dệt may với kim ngạch đạt 9,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu hàng dệt may chính của Việt Nam bao gồm: Mỹ (4,58 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,9%); EU (1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,9%); Nhật Bản (1,14 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,3%).

Ngoài ra, hai nhóm hàng khác cũng có mức tăng đột biến đáng chú ý là than đá và rau quả.

Về than đá, lượng than xuất khẩu trong năm tháng qua đạt 877.000 tấn, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Nhật Bản và Malaysia là hai thị trường dẫn đầu về nhập khẩu than đá của Việt Nam với lượng và tốc độ tăng lần lượt là 478.000 tấn, tăng gấp 7 lần và 115.000 tấn, tăng gấp 11 lần.

Về mặt hàng rau quả, xuất khẩu trong năm tháng đạt gần 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm trước. Khác với sự suy giảm của một số mặt hàng nông sản khác như hạt tiêu, sắn, gạo..., xuất khẩu mặt hàng rau quả đã liên tục tăng nhanh trong hai năm gần đây, đưa mặt hàng này vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỉ đô”. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam, với 1,06 tỉ đô la Mỹ, tăng 51% và chiếm 75% trong tổng trị giá rau quả xuất khẩu.

Thị trường Hàn Quốc soán ngôi đầu về nhập siêu

Về phía nhập khẩu, kim ngạch 10 nhóm hàng lớn nhất trong năm tháng đầu năm 2017 đạt 54 tỉ đô la Mỹ, chiếm 65,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, có 17/54 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la Mỹ, tăng một nhóm hàng so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có giá trị lớn nhất với 14,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Hàn Quốc giữ ngôi đầu (thay thế cho Trung Quốc) về thị trường cung cấp máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng cho Việt Nam với kim ngạch 4,94 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 128% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc sau nhiều năm giữ vị trí số 1 đã phải lùi về thứ hai với 4,41 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,3%; Nhật Bản đứng thứ ba với kim ngạch đạt 1,74 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,2%. Ở nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng là nhiều nhất với 4,93 tỉ đô la Mỹ, tăng 42,7%; kế đến mới là Trung Quốc (2,68 tỉ đô la Mỹ, tăng 28,7%); Đài Loan (1,42 tỉ đô la Mỹ, tăng 26%).

Có thể thấy Hàn Quốc đã có sự vươn lên rõ rệt trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Điều này được lý giải do các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam (là đối tác có vốn FDI đăng ký đứng thứ hai trong năm tháng đầu năm), kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc gia tăng. Tiếp đến, những tác động từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) - có hiệu lực từ cuối năm 2015 - đang dần giúp đẩy mạnh giao thương giữa hai nước. Nhưng có vẻ như Hàn Quốc đang tận dụng điều này tốt hơn Việt Nam khi xuất khẩu của ta sang họ tăng 34,4% nhưng nhập khẩu từ họ sang ta lại tăng tới 52%. Điều này khiến cho Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu số 1 của Việt Nam.

Linh Trang