Hạn mặn, sụt lún bất thường ở miền Tây
Thiếu nước ngọt nghiêm trọng
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết mặc dù địa phương đã chủ động bằng nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn, song hiện nay toàn tỉnh vẫn còn hơn 21.000 hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng; hơn 19.000 ha lúa đông xuân đứng trước nguy cơ thất trắng; hơn 43.000 ha rừng ở U Minh Hạ đang khô hạn ở cấp độ 3 và 4, nguy cơ cháy rừng rất lớn.
Nghiêm trọng nhất là Cà Mau đang bị sụt lún với hơn 1.000 điểm lớn nhỏ, trong đó có hơn 500 điểm tại các vị trí công trình giao thông nông thôn và hạ tầng dân sinh. Tình trạng sụt lún bất thường diễn ra phổ biến trong các tiểu vùng ngọt hóa cục bộ, chiếm hơn 50% số vụ sụt lún trong hơn 2 tháng qua.
“Chúng tôi muốn xây dựng các hồ chứa nước ngọt có trữ lượng lớn trong các tiểu vùng ngọt nhưng ý kiến từ các nhà khoa học còn khác nhau và nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa được T.Ư giải ngân”, ông Sử cho biết.
Trong khi đó, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết do mặn đến sớm, cường độ cao và xâm nhập quá nhanh, quá sâu vào nội đồng nên các kế hoạch phòng chống chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Hiện nay, độ mặn 2‰ đã gần như bao phủ địa bàn và đang diễn biến rất phức tạp.
Hơn 5.000 ha lúa gần như thất trắng, hơn 20.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các giải pháp tại chỗ mà chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đã thực hiện có hiệu quả và việc Bến Tre báo cáo đến năm 2023 sẽ cơ bản ngọt hóa là nỗ lực rất lớn và cần kiên trì với kế hoạch này.
Đảm bảo không có người dân nào chịu khát, chịu đói
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết Tiền Giang cần T.Ư hỗ trợ trước mắt kinh phí 348 tỉ đồng để khoan giếng tầng sâu cung cấp nước sinh hoạt và đầu tư các tuyến ống chuyển tải nước sinh hoạt cho dân; Nạo vét khai thông dòng chảy các tuyến kênh bị bồi lắng phục vụ công tác chống hạn, mặn với khối lượng 1.765.000 m3…
Về lâu dài, Tiền Giang cần đến 3.800 tỉ đồng để hoàn thiện các dự án thủy lợi như: Xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt, tạo nguồn trên kênh Nguyễn Tấn Thành cho hơn 1 triệu dân Tiền Giang và Long An; Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bảo Định và Gò Công.
Đối với các kiến nghị hỗ trợ từ nguồn vốn T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất và giao Bộ Tài chính chi 350 tỉ đồng chia đều cho 5 tỉnh đã công bố thiên tai xâm nhập mặn.
“Trước mắt, các địa phương cần “mở hầu bao”, kể cả về nguồn vốn ngân sách dự phòng để cùng với nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp 70 tỉ/tỉnh để kịp thời hỗ trợ dân và triển khai các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn tạm thời.
Đồng thời chuẩn bị sẵn điều kiện thuận lợi nhất cho vụ hè thu sắp tới. Đối với các nguồn vốn dự toán trong các kế hoạch phân bổ ngân sách trung hạn 2016 - 2020 mà còn chậm giải ngân, sắp tới tôi sẽ chủ trì một hội nghị liên quan vấn đề này và nếu phát hiện cá nhân, tổ chức thuộc T.Ư hay địa phương nào gây khó khăn, chậm giải ngân theo kế hoạch thì tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng chỉ đạo trong triển khai kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn ở giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL phải ưu tiên cấp nước ngọt và đảm bảo không có người dân nào chịu khát, chịu đói.
Dịp này, đoàn công tác của Thủ tướng đã vận động từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước được 1.600 thiết bị lọc nước ngọt thành mặn với công suất 120 lít/ngày tặng cho 8 tỉnh bị hạn mặn nghiêm trọng. Thủ tướng cũng tặng riêng cho tỉnh Bến Tre 300 bồn chứa nước loại 1.000 lít/bồn.
Chống mặn nhưng không được ảnh hưởng tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết từ sau Tết Canh Tý 2020, để phòng chống xâm nhập mặn, UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai ngăn nhiều tuyến kênh chính từ sông Tiền dẫn vào khu vực công trình dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hệ quả là việc vận chuyển vật tư vào công trường trở nên khó khăn hơn vì các phương tiện phải di chuyển đường vòng trong các tuyến kênh nhỏ hẹp. Do đó, nhiều gói thầu đã không đảm bảo đủ vật tư thi công dẫn đến trễ tiến độ hơn 10% so với kế hoạch đã định.
Mặt khác, nhiều đơn vị cung cấp vật tư xây dựng yêu cầu tăng giá, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/