|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hạn mặn khốc liệt, nông dân cạo mặt ruộng, đua nhau bán lớp đất phù sa

22:24 | 29/02/2020
Chia sẻ
Do không trồng được lúa vụ 3 giữa hạn mặn khốc liệt nên nông dân ở hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm (Bến Tre) đã cào nhiều tấn đất trên mặt ruộng để đi bán lấy tiền hoặc đổi lấy phân, thuốc bất chấp hệ lụy.

Đua nhau bán lớp đất phù sa trên mặt ruộng

Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên vào ngày 27.2 tại xã Tân Xuân, H.Ba Tri, các xe cạo đất chuyên dụng hì hục trên các cánh đồng, hầu hết ruộng lúa đều đã khô nứt nẻ.

“Ruộng xa thì chủ ruộng phải năn nỉ người có phương tiện mới chịu đến nơi để lấy đất đem bán. Riêng những ruộng gần đường thì chủ ruộng được trả với giá vài chục ngàn đồng/m3 đất hoặc vài bao phân dành để bón ruộng trong vụ sau. 

Mình không cào đi lớp đất này thì vụ sau sẽ khó khăn để canh tác vì mặt ruộng cao hơn mực nước ngọt trên các kênh nội đồng. 

Mặc dù việc cào đất sẽ tăng chi phí phân thuốc khi canh tác vụ sau”, nông dân Nguyễn Văn Bưởn (55 tuổi, ngụ xã Tân Xuân) cho biết.

Hạn mặn khốc liệt, nông dân cạo mặt ruộng, đua nhau bán lớp đất phù sa - Ảnh 1.

Nông dân sẽ nhận được từ vài chục ngàn đồng cho mỗi xe đất 2 mét khối như thế này nhưng người khai thác sẽ bán lại với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/xe cho các công trình

Theo tìm hiểu, hầu hết nông dân ở Bến Tre bán đất trên mặt ruộng để có nguồn thu nhập thay thế cho tiền thu nhập từ lúa vụ 3 (đã mất trắng hoặc không xuống giống được).

Đất trên mặt ruộng được các xe chở đi bán đất san lấp mặt bằng cho một số công trình giao thông hoặc cho người dân làm nền nhà.

Mỗi m3 đất mặt ruộng được bán với giá từ 100.000 – 150.000 đồng tùy theo quãng đường vận chuyển. Nhu cầu sử dụng đối với loại đất này tại địa phương rất lớn, đặc biệt là trong lúc các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang bị đóng.

Hạn mặn khốc liệt, nông dân cạo mặt ruộng, đua nhau bán lớp đất phù sa - Ảnh 2.

Phương tiện cơ giới làm đường được dùng để ủi cạo lớp đất phù sa ngọt trên mặt ruộng

Theo những người nông dân bán đất mặt ruộng ở Bến Tre, ngoài việc để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, bán đất mặt ruộng còn để hạ thấp cao độ mặt ruộng xuống từ 10 - 15 cm mới bằng với mực nước ngọt trong kênh nội đồng.

“Dường như mực nước ngọt thấp hơn qua từng năm thì phải vì 2 năm trước tôi đã cào thấp mặt ruộng xuống khoảng 15 cm để bằng mực nước ngọt ngoài kênh thì nay mặt ruộng lại tiếp tục cao hơn mực nước ngọt ngoài kênh cả gang tay. Vậy nên tôi quyết định cào đất mặt bán tiếp chứ để vậy sao mà tưới nước nổi”, nông dân Trần Văn Mười, ngụ xã Mỹ Chánh, H. Ba Tri, cho biết.

Hậu quả chi phí vụ sau sẽ tăng 2-3 lần

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Giả Văn Điện, Phó chủ tịch UBND xã Tân Xuân, H. Ba Tri, cho biết chính quyền địa phương đã nắm được tình hình này và đồng thời đã khuyến cáo bà con ngưng khai thác đất mặt ruộng bán nhưng chưa có hiệu quả.

“Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên mực nước biển dâng cao đều đặn qua từng năm và không có cách nào ngăn lại được. 

Vì vậy, việc bà con hạ thấp mặt ruộng là rất nguy hiểm vì đến một lúc nào đó sẽ không còn canh tác lúa được nữa. 

Ngoài ra, việc khai thác lớp phù sa ngọt trên mặt ruộng sẽ dẫn đến thổ nhưỡng càng xấu đi, nếu không muốn nói là lớp đất phù sa ngọt sẽ không còn nữa”, ông Điện nói.

Hạn mặn khốc liệt, nông dân cạo mặt ruộng, đua nhau bán lớp đất phù sa - Ảnh 3.

Đồng ruộng ở Bến Tre mùa này trở thành nơi cung cấp đất san lấp vô tận cho các công trình xây dựng

Trong khi đó, ông Trần Quốc Khanh, Trưởng phòng NN&PTNT H.Ba Tri, khẳng định hành vi khai thác đất mặt ruộng của người nông dân chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả trước mắt và lâu dài.

“Chúng tôi đã thực nghiệm và kết quả là chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu cho ruộng lúa ở vụ sau sẽ tăng lên từ 2 - 3 lần so với các thửa ruộng không bị khai thác đất mặt. Ngoài ra, năng suất lúa của vụ sau cũng sẽ giảm ít nhất trên 15%. 

Bởi, việc khai thác lớp đất phù sa mặt sẽ làm giảm nguồn dinh dưỡng đất rất lớn, đất bên dưới vốn bạc màu rất khó hấp thụ dinh dưỡng được bón lót khi canh tác lúa”, ông Khánh khẳng định.

Hạn mặn khốc liệt, nông dân cạo mặt ruộng, đua nhau bán lớp đất phù sa - Ảnh 4.

Nông dân tranh thủ bán đất nhưng cán bộ nông nghiệp cảnh báo hậu quá rất khó lường

Theo ông Khánh, cách tốt nhất để xử lý những thửa ruộng gò cao hơn mực nước ngọt trong các kênh nội đồng chính là chuyển đổi canh tác từ cây lúa sang hoa màu, lên líp trồng dừa, trồng cỏ nuôi bò…

“Nhiều nông dân có ruộng gò ở H.Ba Tri đã mạnh dạn đăng ký chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác và đã gia tăng đáng kể thu nhập sau khi chuyển đổi. Riêng những trường hợp gặp khó khăn về kỹ thuật, về vốn… luôn được chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp hỗ trợ, tập huấn tận tình”, ông Khánh nói.

Hạn mặn đang gây thiệt hại rất nặng nề cho Bến Tre

Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết hiện độ mặn 4 ‰ xâm nhập cách cửa sông từ 45 - 60km, độ mặn 1 ‰ xâm nhập bao trùm toàn bộ địa bàn tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh có hơn 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân 2019 - 2020 (vụ 3) có khả năng cao mất trắng, gần 20.000 cây ăn trái đang bị đe dọa vì thiếu nước tưới

Hiện nay, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh (sử dụng hệ thống cấp nước tập trung) đều bị ảnh hưởng của hạn mặn, nguồn nước sinh hoạt hiện nay đa phần tại các nhà máy nước là trên 2‰, như tại TP. Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại...

Có khoảng 57.000 hộ dân (205.000 người) sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, Sông Tiền, Cổ Chiên, cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh (do hết nguồn nước dự trữ).

Nếu mặn tiếp tục kéo dài và không có nước ngọt để cung cấp có thể dẫn đến một số doanh nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt lớn sẽ phải ngừng sản xuất, các ngành khác như dịch vụ, du lịch cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Bến Tre đã kiến nghị Trung ương bố trí hơn 1.000 tỉ đồng để tiếp tục xây các hồ trữ nước ngọt; Đầu tư tiếp các hạng mục còn lại Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre.

Trước mắt Bến Tre cần được hỗ trợ, bố trí khấn cấp 70 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương phòng chống hạn mặn để tỉnh thực hiện đắp khẩn cấp một số đập tạm…


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bắc Bình

Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.