|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hạn chế xây cao ốc ở trung tâm và dự án mới ở nội thành TP HCM ảnh hưởng thế nào đến quy hoạch đô thị?

15:36 | 21/02/2019
Chia sẻ
Nếu tạm ngừng cấp phép cho dự án cao ốc ở trung tâm TP HCM từ 2018 – 2020 sẽ tạo sân chơi không bình đẳng giữa những CĐT đã có dự án với CĐT mới có quỹ đất, tác động đến nguồn cung nhà ở và cả quy hoạch đô thị.

Mới đây, UBND TP HCM ban hành quy định: từ nay đến 2020, tạm dừng cấp phép xây dựng chung cư cao tầng ở các quận trung tâm và hạn chế phát triển dự án mới ở các quận nội thành. Đây là một nội dung được đưa ra trong kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016 – 2020, nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016 – 2025.

Quy định này đã làm “dậy sóng” dư luận ngay sau khi được công bố, có ý kiến đồng tình nhưng cũng có chuyên gia phân tích nhiều điểm chưa phù hợp trong nội dung lãnh đạo thành phố đưa ra.

han che xay cao oc o trung tam va du an moi o noi thanh tp hcm anh huong the nao den quy hoach do thi
Theo ông Lê Hoàng Châu, nếu tạm ngừng cấp phép cho dự án mới ở khu vực trung tâm TP HCM từ 2018 – 2020 sẽ tạo sân chơi không bình đẳng, giảm nguồn cung nhà ở của các quận nội thành.

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, trước đây để can thiệp vào thị trường bất động sản (BĐS), nhà nước mới dùng đến các công cụ tín dụng (từng bước siết tín dụng vào BĐS) và công cụ thuế (ban hành các quy định mới về thuế tài sản, thuế chống đầu cơ…). Ngoài hai công cụ này thì quy hoạch cũng được coi là công cụ quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường BĐS nhưng trước đây lại chưa được nhà nước quan tâm áp dụng ở mức cần thiết.

“Tuy nhiên, sử dụng công cụ quy hoạch không đồng nghĩa với việc sử dụng mệnh lệnh hành chính. Nếu tạm ngừng cấp phép cho dự án mới ở khu vực trung tâm TP HCM từ 2018 – 2020 sẽ tạo sân chơi không bình đẳng giữa những chủ đầu tư (CĐT) đã có dự án với những CĐT đã chuẩn bị quỹ đất nhưng chưa hình thành dự án và cả những CĐT muốn phát triển chung cư cao tầng ở khu vực trung tâm”, Chủ tịch Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.

Theo ông, những CĐT đã có dự án nhà ở tại khu vực trung tâm sẽ được hưởng lợi thế độc quyền từ nay đến 2020, vì cung giảm, trong khi nhu cầu vẫn có thì đương nhiên giá cả nhà ở sẽ tăng.

Trong các văn bản gần đây của mình, HoREA đã góp ý: không nên cấm toàn bộ các dự án mà nên chọn lọc, dự án nào góp phần giải quyết được bài toán về quy hoạch, hạ tầng giao thông đô thị thì vẫn phải hoan nghênh…

Chủ tịch HoREA cũng thông tin: “Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã trả lời trên báo chí là thành phố chỉ ‘hạn chế’ thôi chứ không phải là ‘ngừng hẳn’ việc cấp phép cho các dự án ở khu vực trung tâm. Lãnh đạo mới trả lời miệng, cũng nói đã đăng tải thông tin lên website của UBND TP HCM, nhưng tôi vẫn chưa thấy văn bản chính thức nào điều chỉnh hay giải thích thêm về quy định này. Chúng tôi đang mong chờ ý kiến của UBND TP được chuyển thành văn bản pháp quy”.

Chuyên gia BĐS này đánh giá, nếu quy định này được thực thi chắc chắn sẽ tác động đến nguồn cung nhà ở của các quận nội thành nói chung. Bởi theo ông, xét phạm vi được nói đến trong quyết định này, khu vực trung tâm hiện nay (bị tạm dừng) gồm quận 1, một phần quận 3, một phần quận 4 và một phần quận Bình Thạnh; còn khu nội thành (bị hạn chế) gồm các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú…

Lẽ ra cần chọn lọc phát triển các dự án chung cư cao tầng ở tất cả các địa bàn trên phạm vi toàn TP HCM. Dự án phải đi đôi với nghĩa vụ của CĐT để giải quyết những tình trạng bức bối của đô thị hiện nay như tình trạng kẹt xe, ngập nước…

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, xét quy hoạch và phát triển đô thị TP HCM hiện nay cần quan tâm hai ranh quy hoạch: một là phạm vi thành phố cũ, hai là thành phố bao gồm cả các khu đô thị (KĐT) mới phát triển ở vùng ven và huyện ngoại thành của TP HCM.

Đối với ranh quy hoạch thành phố cũ, có một vấn đề rất nan giải là chỉnh trang các KĐT cũ ở các quận nội thành. Việc chỉnh trang cần phải thực hiện từ thấp tầng đến cao tầng. Ví dụ như khu phường Cô Giang, ở mặt tiền đường nhà cửa rất đàng hoàng, nhưng khu vực bên trong cần phải chỉnh trang lại gần như hoàn toàn, việc chỉnh trang phải thực hiện theo cả ô phố. Vì vậy, KĐT cũ phải được chỉnh trang thành khu cao tầng để trả lại mặt đất thông thoáng và tăng diện tích cây xanh, mặt nước.

Ông Châu liệt kê: “Chương trình chỉnh trang đô thị cũ bao gồm hai nội dung chính là: giải quyết nhà ven kênh rạch – có khoảng 22.000 căn và xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng – liên quan đến khoảng 35.000 hộ gia đình. Nếu đưa dân lên bờ ở cũng phải xây chung cư, mà xây dựng lại chung cư cũ cũng phải xây chung cư mới cao hơn. Vì vậy, tôi mong lãnh đạo thành phố xem xét lại chủ trương này theo hướng uyển chuyển hơn, phù hợp với từng khu vực”.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hiếu Quân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.