Hai xu hướng mua bán đất quanh sân bay Long Thành
Qua cơn sốt ảo, những dự án có quy hoạch sẵn hạ tầng đang được nhà đầu tư săn đón trở lại. Ảnh: Lê Quân.
Qua cơn sốt ảo đất nền, những dự án phân lô đang chưa tìm được hướng đi thì những dự án có quy hoạch bài bản, pháp lý tốt đang chạy hết công suất. Các dự án có quy hoạch nhưng "đắp chiếu" mấy năm trước cũng bắt đầu tung quân kiếm khách.
Nhu cầu thật sau cơn sốt ảo
Không còn rầm rộ thổi giá như đợt sốt đất đầu năm, nhưng giới đầu tư cho biết việc giao dịch đất nền tại các khu vực lân cận sân bay Long Thành đang cho thấy thanh khoản tốt. Nhà đầu tư cũng âm thầm chọn đất để sàng lọc được giá tốt sau khi nhiều người lao vào cơn sốt trước đó.
Theo ghi nhận của PV, dù không diễn ra rầm rộ, nhưng đang có một làn sóng ngầm trong giới đầu tư lùng sục tìm mua đất tại Đồng Nai, tập trung chính vào 2 phân khúc là đất có diện tích lớn trong các khu dân cư và đất dự án.
Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh giá đất nền ở TP.HCM đã lên cao và đang có chiều hướng tiếp tục tăng do cầu vượt cung, nhiều người có nhu cầu về nhà ở đã dịch chuyển về các địa phương lân cận để mua đất an cư. Đồng Nai, đặc biệt là những khu vực giáp ranh với TP.HCM đang là tâm điểm tìm kiếm của nhiều người.
Dạo một vòng quanh những khu vực như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch những ngày qua, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng loạt văn phòng môi giới tự phát giới thiệu về đất nền giá rẻ. Tại huyện Long Thành, những khu vực có bán kính cách Dự án Sân bay Long Thành 5-7 km, hàng loạt bảng hiệu chào bán đất được mọc lên.
Những khu đô thị bị bỏ quên đang có dấu hiệu hồi sinh trở lại. Ảnh: Lê Quân.
Một môi giới tên Quang, cho biết, hiện nay mỗi ngày có đến hàng chục khách hàng từ TP.HCM đến tìm hiểu mua đất khu vực này. Nổi bật có hai nhóm đối tượng khách hàng, là những người đầu tư săn tìm mua đất trong khu dân cư có diện tích lớn để đầu tư và người có nhu cầu nhà ở thật, tìm mua những lô đất có diện tích chừng 60-70 m2, giá 300-500 triệu đồng/nền.
Cũng theo môi giới này, tỷ lệ giao dịch thật đã tăng lên chứ không phải là việc dò hỏi thông tin như trước đây. Đặc biệt, không còn thấy tình trạng mua xong ký gửi đất tại điểm giao dịch nhằm kiếm lời nhanh chóng. Việc xác định giá cũng được họ tính toán kỹ chứ không mua nhanh bán gọn như hồi đầu năm.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, cho biết ở khu vực này, ngoài những người mua đất diện tích nhỏ lẻ với nhu cầu để ở, còn có khá nhiều khách hàng là những “đại gia” ở TP.HCM muốn tìm những khu đất có diện tích lớn, đặc biệt là đất ven sông Đồng Nai, để làm những khu trang trại theo mô hình trồng trọt, nghĩ dưỡng.
Theo ông Lộc, những người mua đất ở không lao vào điểm nóng quá gần với sân bay Long Thành vì hạ tầng giao thông ở Đồng Nai tương đối thuận lợi. Họ chỉ tìm đất ở những khu vực di chuyển đến hai thành phố Biên Hòa và TP.HCM thuận tiện nhất.
Khép lại mùa kiếm tiền của cò tự phát
Cuối năm ngoái, đất tại huyện Long Thành lên cơn sốt, giá bị đẩy lên gấp 3-4 lần, khiến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phải can thiệp bằng quyết định tạm ngưng tách thửa. Điều này khiến những điểm nóng sốt ảo đất nền trước đây như Long Thành, Nhơn Trạch giảm nhiệt hẳn, không còn cảnh đầu nậu cò đất tung hoành. Những sàn giao dịch địa ốc “dã chiến” kiêm quán cà phê, hàng tạp hóa tại địa phương này dần dẹp bỏ.
“Nhà nước đã ngưng giải quyết cấp sổ rồi, giờ khó bán hơn trước nhiều”, chị Đào, “cò đất” kiêm chủ quán cà phê ở xã Tam Phước nói.
Cũng theo chị này, địa bàn xã Tam Phước (Long Thành) một năm qua bấn loạn vì sốt ảo đất nền.
Bản thân chị Đào từ chủ quán cà phê lấn sang làm cò đất và kiếm được không ít tiền môi giới trong hơn 1 năm. Nhưng, nay chị phải quay trở lại nghề chính. Chị thú thật, nhiều dịch vụ photocopy, tiệm tạp hóa, quán cơm… kiêm dịch vụ nhà đất nở rộ trước đây ở trong khu vực phần lớn cũng không kiếm được tiền từ làm “cò đất” nữa.
Lực lương cò đất tự phát đã khép lại “mùa” kiếm tiền của mình nhưng hiện thị trường Đồng Nai đang xuất hiện đội ngũ mới giới chuyên nghiệp hơn từ những công ty địa ốc có quỹ đất trên địa bàn tỉnh. Dễ dàng nhận thấy, quyết định tạm ngưng tách thửa đã giúp các công ty này loại bỏ bớt đối thủ “tự phát” và thừa thắng xông lên với những dự án đã xin được quy hoạch trước đó.
Một loạt các dự án lớn mới chào hàng ở quanh khu vực Biên Hòa, giao dịch viên phải “mướt mồ hôi” tiếp khách. Theo nhân viên kinh doanh tại dự án Long Hưng, một buổi sáng chủ nhật anh phải tiếp đến 12 khách hàng, gấp hơn 3 lần những chủ nhật trước đó.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Donaland, đơn vị phân phối dự án Khu đô thị Long Hưng, cho biết sau khi có thông tin siết phân lô, tách thửa tại Đồng Nai, việc bán hàng của dự án này lại tăng khá mạnh. Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.000 sản phẩm dự án của công ty được giao dịch. Và đất nền tại dự án này từ mức giá trung bình khoảng 8 triệu đồng/m2 hiện đã lên đến 12 triệu đồng/m2.
Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Phước Thái vừa mở bán dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái (xã Tam Phước, Biên Hòa) với hơn 400 nền đất và 68 căn nhà phố liên kế thương mạị thì hầu hết đã được đặt cọc giữ chỗ.
Huyện Long Thành, Đồng Nai có vị trí khá gần với TP HCM.
Theo ông ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, điểm tệ nhất của thị trường địa ốc tỉnh này là để tình trạng đất nền phát triển manh mún trong thời gian qua, đe dọa quy hoạch bền vững. Quyết định ngưng tách thửa của UBND tỉnh Đồng Nai là động thái cần thiết để “giảm nhiệt” sốt ảo đất nền.
Cú hích mới từ hạ tầng Ngoài điểm sáng về sân bay và đường cao tốc, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đang thực hiện dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên Hương lộ 2 (TP. Biên Hòa). Con đường này kéo dài từ ngã ba Bến Gỗ đến nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND Biên Hòa, đây là trục kết nối trung tâm hành chính TP Biên Hòa với các khu đô thị Long Hưng, Khu công nghiệp An Phước, đô thị Nhơn Trạch. Khi xây dựng xong cầu Vàm Cái Sứt và Hương lộ 2 sẽ là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội ven sông Đồng Nai. Tuyến đường này đưa vào sử dụng sẽ nối trực tiếp tuyến cao tốc TP.HCM vào Biên Hòa, giúp Biên Hòa kết nối với toàn khu vực. |