|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai triệu tỷ đầu tư công và nỗi lo của Bộ trưởng Tài chính

21:17 | 17/10/2016
Chia sẻ
Kế hoạch 5 năm chỉ là định hướng, chứ không thể “cứng” được, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hơn một lần đứng lên bảo vệ quan điểm về kế hoạch đầu tư công đến 2020.
hai trieu ty dau tu cong va noi lo cua bo truong tai chinh
Không giấu được nỗi lo của người giúp Chính phủ tính toán chi tiêu túi tiền quốc gia, Bộ trưởng Tài chính chia sẻ, cũng có thành viên Chính phủ đề nghị nâng trần nợ công. Nhưng ông phản đối quyết liệt, kiên quyết bảo vệ giữ trần nợ công.

Xem xét kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là một trong nhiều nội dung ngày làm việc 17/10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đều có mặt tại phiên thảo luận.

Chỉ nên “định hướng”

Thẩm tra kế hoạch Chính phủ trình, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, Chính phủ mới chỉ nêu khái quát chung dự kiến vốn đầu tư nguồn ngân sách là 2 triệu tỷ đồng và sơ lược tỷ trọng huy động đối với một số nguồn vốn khác.

Như, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách chiếm 20,5-21,9%, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chiếm khoảng 3,9-4%, vốn từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm khoảng 8,9%.

Vốn doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 47,4-49,6%, vốn nước ngoài chiếm khoảng 16,8-17,5%, các nguồn vốn khác chiếm khoảng 0,3% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Với ngân sách Trung ương, Chính phủ dự kiến nguồn cho cả giai đoạn là 1,12 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 820 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ), vốn nước ngoài là 300 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến để lại nguồn dự phòng (chưa phân bổ) với mức để lại bằng 10% tổng số vốn đầu tư.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa 13 (tháng 3/2016).

Nhưng, do chất lượng hồ sơ trình của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu của Luật Đầu tư công, trong đó chưa có danh mục các dự án được phân bổ để trình Quốc hội nên mới lùi đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội nhiệm kỳ mới.

Nhấn mạnh là đã chậm tới 7 tháng, song Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vẫn băn khoăn khi mà chưa rõ về danh mục đầu tư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.

Nhắc lại là kế hoạch chỉ mang tính định hướng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng quả quyết, không ai có thể dám chắc chắn về tính khả thi nếu chia cứng hai triệu tỷ đồng cho từng danh mục dự án, bởi sự bấp bênh của các dự báo là có thật.

Lấy ngay ví dụ về dự báo GDP cho cả nhiệm kỳ trước đều không đúng, ông Dũng phân tích: ngay năm nay kế hoạch là 6,7% nhưng đã qua gần 10 tháng rồi Chính phủ đánh giá đạt 6,3% đến 6,5% mà Uỷ ban Kinh tế thấy vẫn còn hồi hộp.

Vì thế, để dự báo số thu cho cả 5 năm tới trên cơ sở tăng trưởng, chưa nói đến yếu tố giá dầu rồi nhiều yếu tố rủi ro khác, thì chả dễ dàng gì.

Chia sẻ tâm trạng “rất lo lắng”, Bộ trưởng Dũng nói, với con số đầu tư công 2 triệu tỷ, nếu không chặt chẽ thì sau 5 năm tình trạng dàn trải có thể còn lớn hơn cả hiện nay.

“Vì thế, kế hoạch 5 năm cần rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và các trọng tâm, trọng điểm chứ chia cứng 2 triệu tỷ đồng cho từng danh mục thì chả ai dám chắc là sẽ khả thi”, ông Dũng nhấn mạnh.

“GDP tuyệt đối năm nay, ban đầu dự báo 5,1 triệu tỷ đồng, giờ xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng cũng chưa chắc, thì làm sao mà nói mọi thứ chắc chắn cho 5 năm được”, Bộ trưởng lại quay về câu chuyện nóng hổi ngay trước mắt.

Vì thế, ông Dũng tiếp tục nêu quan điểm là kế hoạch 5 năm chỉ là định hướng, chứ không thể “cứng” được.

Không chắc chắn, Quốc hội quyết sao được?

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển băn khoăn, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm là căn cứ vào kế hoạch tài chính 5 năm, vậy nếu hôm nay Bộ trưởng Tài chính bảo là không đảm bảo được thì kế hoạch đầu tư công trung hạn không có ý nghĩa gì cả.

“Nếu tung 2 triệu tỷ ra đầu tư mà không có đảm bảo về nguồn lực tài chính thì đáng ngại là tạo ra cơn lốc nữa về nợ, và không có khả năng thanh toán. Quốc hội phải dựa vào đề xuất của Chính phủ, mà Chính phủ lại chưa chắc chắn, thì Quốc hội làm sao quyết cho chắc chắn được?”, ông Hiển lo ngại.

Vị Phó chủ tịch Quốc hội cũng nêu kinh nghiệm các nước đều tính được các mức cao, thấp, trung bình cho 15 năm chứ không phải 5 năm. Ít nhất là phải xác định được mức trần để điều hành chắc chắn.

“Cá nhân tôi cho rằng 2 triệu tỷ là mức cao nhất”, Bộ trưởng Dũng thêm một lần đứng dậy, và tiếp tục khẳng định kế hoạch tài chính 5 năm cũng chỉ là định hướng.

Không giấu được nỗi lo của người giúp Chính phủ tính toán chi tiêu túi tiền quốc gia, Bộ trưởng Tài chính chia sẻ, cũng có thành viên Chính phủ đề nghị nâng trần nợ công. Nhưng ông phản đối quyết liệt, kiên quyết bảo vệ giữ trần nợ công.

“Không ai, kể cả Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng không thể khẳng định được 5 năm tới mỗi năm GDP tăng 6,7%, nên xây dựng kế hoạch thì vẫn là định hướng bố trí chi ngân sách”.

“Luật Ngân sách Nhà nước là gốc, đầu tư công là luật chuyên ngành, vì thế phải tính toán để 5 năm sau hiệu quả đầu tư công phải tốt hơn, chứ be bét hơn thì chúng ta khó mà chịu được trách nhiệm”, Bộ trưởng Dũng không giấu sự căng thẳng.

Theo Nguyên Vũ