|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai thái cực trái ngược ở nước Đông Nam Á đi đầu trong mở cửa: Doanh nghiệp phàn nàn mở quá chậm, dân lại lo mở quá nhanh

17:57 | 15/10/2021
Chia sẻ
Singapore đứng đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vắc xin nhưng chính phủ nước này đang phải đối mặt với chia rẽ và hoảng sợ với thông điệp sống chung với COVID-19.

Thách thức của Singapore khi chuyển từ Zero COVID sang sống chung với dịch

Chỉ vài tuần trước, Singapore trở thành ngôi sao sáng trong kiểm soát đại dịch. Với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và một lộ trình nới lỏng giãn cách, Singapore dường như đã sẵn sàng chung sống với COVID-19 theo cách mà ít quốc gia nào làm được.

Tuy nhiên, sau đó, số ca nhiễm mới tại đây lại tăng cao. Giờ đây, những gì xảy ra tại Singapore cho thấy việc thay đổi chiến lược (từ Zero COVID sang sống chung với COVID) nhiều thách thức như thế nào, Bloomberg nhận định. 

Hai thái cực trái ngược ở nước Đông Nam Á đi đầu trong mở cửa: Doanh nghiệp phàn nàn mở quá chậm, dân lại lo ngại mở quá nhanh - Ảnh 1.

Số ca nhiễm hàng ngày tại Singapore từ mức rất thấp trong suốt tháng 8 và trước đó tăng vọt lên 2.000 ca vào cuối tháng 9. (Nguồn: Our World In Data).

Các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chiến lược sạch bóng COVID như Trung Quốc, Hong Kong và Australia cũng sẽ nhìn vào Singapore như một kinh nghiệm quý giá.

Còn với người dân Singapore, việc thay đổi mô hình chống dịch trở thành nguyên nhân của chia rẽ và lo sợ, đồng thời đặt ra câu hỏi hóc búa cho các nhà hoạch định chính sách.

Trong khi số ca nhiễm đã giảm vào ngày 14/10, nhưng số ca tử vong lại ghi nhận đến 15 ca – con số cao nhất từ trước đến nay. Trong số đó có hai người trẻ tuổi (23 và 34 tuổi, nhưng đều mắc bệnh nền).

Trước tháng 9, Singapore ghi nhận tổng chưa đến 70.000 ca nhiễm trên tổng hơn 5,45 triệu dân, tỷ lệ mắc khoảng 1,2% dân số. Tuy nhiên gần đây, một số ngày ghi nhận ca mới lên đến hơn 3.000 trường hợp. Đây là con số thực sự đáng báo động với quốc gia từng chỉ có 29 ca tử vong trong năm đầu đại dịch xuất hiện. Tính đến ngày 15/10, nước này ghi nhận tổng hơn 138.000 ca nhiễm COVID-19.

Hai thái cực trái ngược ở nước Đông Nam Á đi đầu trong mở cửa: Doanh nghiệp phàn nàn mở quá chậm, dân lại lo ngại mở quá nhanh - Ảnh 1.

Singapore là một trong những nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm vắc xin. Số liệu tính đến ngà 14/10. (Nguồn: Đại học Johns Hopkins, Bloomberg).

Trong khi động thái kết nối du lịch trở lại với Mỹ và châu Âu được khối doanh nghiệp hoan nghênh, một số khác lại lo ngại tiến trình mở cửa kinh tế đang diễn ra quá nhanh. Trong bài phát biểu toàn quốc hôm 9/10 về tình hình đại dịch COVID-19, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đảo quốc sư tử sẽ mất ít nhất 3 tháng, và có thể kéo dài tới 6 tháng, để đạt được bình thường mới.

Khi chính phủ Singapore đưa ra thông điệp rõ ràng về việc mở cửa trở lại, người dân có vẻ như vẫn còn nhiều lo lắng. Rozanah Mohd Shah, một bà nội trợ 47 tuổi cho rằng không nên tiếp tục tiến trình mở cửa trong bối cảnh ghi nhận 3.000 ca mỗi ngày. Bà lo lắng về người cha cao tuổi của mình – vốn đã được tiem chủng đầy đủ nhưng vẫn có nguy cơ cao nhiễm virus và trước đó đã bị đột quỵ.

Koh Shao Ming, 24 tuổi, sinh viên đại học cũng bày tỏ sự ủng hộ với các biện pháp hạn chế hiện tại, đặc biệt ở những nơi nguy cơ cao như trường học. Tuy vậy người này bày tỏ "khá không hài lòng" với cách truyền đạt thông tin của chính phủ. "Nếu chính phủ giải thích rõ ràng và dễ hiểu về cơ sở lý luận đằng sau các quyết định chính sách và chiến lược, tôi nghĩ dân sẽ bớt hoài nghi hơn", anh nói.

Trong khi đó, một số khác lại bày tỏ sự khó chịu với những quy định hạn chế, đặc biệt khi Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

"Lời hứa là khi 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ, mọi thứ sẽ được mở cửa trở lại, vậy tại sao giờ chúng tôi vẫn chưa được phép hoạt động", chủ một quán cà phê tại Singapore nói và tiếp tục đặt câu hỏi vì sao chính phủ nói đó chỉ là căn bệnh nhẹ, nhưng vẫn đưa ra các hạn chế?

Hai thái cực trái ngược ở nước Đông Nam Á đi đầu trong mở cửa: Doanh nghiệp phàn nàn mở quá chậm, dân lại lo ngại mở quá nhanh - Ảnh 3.

Một người cao tuổi đứng chờ trước điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19. (Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg).

Singapore đã từng rất thành công với chiến lược "Zero COVID" trong suốt năm 2020. Tuy nhiên mặt trái của thành công trong việc khống chế ca bệnh ở mức thấp của năm ngoái là người dân không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với virus, Jody Lanard, một bác sĩ ở New York và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế công cộng quốc tế nói với Bloomberg.

"Tương lai gần sẽ rất đáng sợ và không có cách nào để né tránh", bà nói và khẳng định Singapore sẽ phải trải qua thời gian rất khó khăn phía trước.

Vào tháng 8, chính phủ Singapore đã nới lỏng các hạn chế, nhấn mạnh đất nước vẫn đang tiếp tục tiến trình mở cửa theo cách thận trọng. Tuy nhiên vài tuần trở lại đây, các quy định lại trở nên nghiêm ngặt hơn khi làn sóng ca nhiễm mới tăng cao.

Không còn lựa chọn nào khác ngoài sống chung với virus

Hai thái cực trái ngược ở nước Đông Nam Á đi đầu trong mở cửa: Doanh nghiệp phàn nàn mở quá chậm, dân lại lo ngại mở quá nhanh - Ảnh 4.

Người dân tại khu vực Marina Bay hồi đầu tháng 9. (Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg).

Các bệnh viện công của Singapore đang phải trải qua thực tế chung sống vĩnh viễn với virus. Nỗi sợ hãi khiến người dân tràn vào các bệnh viện, ngay cả khi chỉ mới có triệu chứng nhẹ, khiến các nhà chức trách phải ra quy định cho người bệnh nhẹ được phục hồi tại nhà.

Chiến lược mở cửa của chính phủ chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm mới. Các quan chức cho biết làn sóng gia tăng các ca nhiễm đến sớm hơn nhiều so với dự đoán và họ đã giảm bớt mức độ nới lỏng để hệ thống y tế không bị quá tải.

Một y tá tại bệnh viện tư nhân ở Singapore mô tả cảnh làm việc kéo dài 14 giờ, một số đồng nghiệp đã phải xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực.

Singapore đang cố gắng làm điều mà chưa từng nước nào làm được cho đến nay. Đó là vượt qua đại dịch COVID-19 mà không có thiệt hại đáng kể về người, đồng thời mở cửa trở lại an toàn với phần còn lại của thế giới. Nếu làm được điều này, vị thế của Singapore sẽ càng được khẳng định.

Mỹ và một số khu vực ở châu Âu hiện đã dỡ bỏ các quy định bắt buộc về đeo khẩu trang, đang dần mở lại các biên giới và văn phòng sau nhiều tháng khó khăn, trong khi các nước láng giềng gần Singapore cũng đang mở lại một số tuyến du lịch dù số ca nhiễm vẫn cao. Australia cũng đã dỡ phong tỏa thành phố Sydney sau 107 ngày và đang tìm cách từ bỏ mô hình chống dịch "Zero COVID". Nhiều khả năng Australia cũng sẽ phải đối mặt thách thức tương tự để tìm điểm cân bằng giữa đi lại tự do và sự an toàn của người dân. 

Quay trở lại câu chuyện của Singapore, may mắn thay vắc xin vẫn đang phát huy hiệu quả ở đây. Mặc dù đối mặt làn sóng tăng ca nhiễm đột biến, nhưng tỷ lệ nhập viện và các ca bệnh nặng vẫn ở mức thấp. Từ tháng 8 đến nay, quốc đảo mới ghi nhận chưa đến 150 ca tử vong, đa phần là người lớn tuổi chưa được tiêm phòng và mắc các bệnh lý khác.

Một số tín hiệu tích cực khác cũng đến khi trong tuần này, hai bộ trưởng trước đây từng có quan điểm trái ngược nhau đã tổ chức một buổi đối thoại, trả lời các câu hỏi về chiến lược ứng phó đại dịch. Nhiều tuyến du lịch không yêu cầu cách ly hành khách đã được mở thêm, các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính không còn phải cách ly nếu xét nghiệm tại nhà cho kết quả âm tính.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tuần trước, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi người dân đừng để nỗi sợ hãi làm cho tê liệt, hãy tiếp tục các hoạt động hàng ngày "bình thường nhất có thể và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết".

Kết quả cuộc khảo sát mới đây của công ty Milieu Insight cho thấy, tỷ lệ ủng hộ với chiến lược sống chung với COVID-19 tại Singapore đã tăng 6 điểm phần trăm lên 29%. Số người được hỏi cho biết cảm giác căng thẳng và thất vọng đã giảm đáng kể so với đầu tháng. 

"COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu trên toàn thế giới", Ooi Eng Eong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Duke-NUS Medical School khẳng định lại và cho rằng con người không quyết định việc sống chung với COVID-19 mà chính virus tự quyết định điều đó.

Anh Đào