Hai Tập đoàn lớn của Đài Loan đầu tư hơn 200 triệu USD vào KCN Mỹ Thuận
Chiều ngày 2/6, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc đã có buổi làm việc với Tập đoàn JiaWei của Đài Loan (Trung Quốc).
Tại buổi làm việc, bà Ngô Lệ Hoa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn JiaWei cho biết, sau khi tìm hiểu kỹ môi trường đầu tư của tỉnh Nam Định, Tập đoàn và các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn đã quyết định đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD trên diện tích đất gần 15 ha với nhóm 3 dự án.
Cụ thể, Tập đoàn đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao quy mô 8,5 ha, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD; Công ty Thiên Hà đầu tư nhà máy in phụ trợ cho dự án của Tập đoàn Jiawei quy mô 2,5 ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; Công ty Tân Việt Hưng đầu tư nhà máy sản xuất thùng giấy phụ trợ cho dự án của Tập đoàn Jiawei quy mô 3,3 ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
Jia Wei cũng đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ để Tập đoàn sớm triển khai hiệu quả các bước tiếp theo trong đầu tư nhóm dự án, nhất là xem xét, điều chỉnh bổ sung các ngành nghề thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận, tạo thuận lợi về căn cứ pháp lý khi các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn đầu tư các nhà máy sản xuất thùng giấy, sản phẩm in.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Gia Túc cho biết, tỉnh Nam Định sẽ xem xét việc điều chỉnh bổ sung ngành nghề bao bì, in ấn trong định hướng thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận để bảo đảm Tập đoàn JiaWei thuận lợi hơn trong đầu tư, sản xuất theo chuỗi.
JiaWei là tập đoàn thứ hai trong nhóm Tập đoàn lớn của Đài Loan đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận.
Trước đó, ngày 5/5, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Quanta để sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn trên diện tích gần 226 ha tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận.
Theo kế hoạch, công suất thiết kế của nhà máy đặt tại Khu Công nghiệp Mỹ Thuận dự kiến sản xuất 4.500.000 máy tính xách tay và máy tính để bàn một năm. Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.830 tỷ đồng (khoảng 120 triệu USD).
Nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2024. Từ năm 2025, nhà máy bước vào giai đoạn tăng tốc sản xuất với 2.600.000 máy tính, mục tiêu hướng đến năm 2028 sẽ sản xuất 4.500.000 máy tính xách tay và máy tính để bàn/năm.