|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần từ 17 - 21/6: Hai quỹ ETF mua vào gần 36 triệu cổ phiếu POW, tập trung 'xả' mạnh STB, DPM, HNG, VRE

18:06 | 16/06/2019
Chia sẻ
Tính đến ngày 15/6, hai quỹ ETF hoàn tất công bố kết quả cơ cấu danh mục quý II với việc cùng thêm mới cổ phiếu POW. Bên cạnh đó, FTSE ETF loại HNG khỏi danh mục còn VNM ETF loại DPM và STB. Trong tuần giao dịch 17 - 21/6, hai quỹ này thực hiện giao dịch tái cơ cấu, trọng tâm vào ngày 21/6.

Hai quỹ ETF hoàn tất công bố kết quả cơ cấu danh mục quý II/2019

Tính đến ngày 15/6, hai quỹ ETF hoàn tất công bố kết quả cơ cấu danh mục quý II/2109. Cụ thể, chiều ngày 7/6, quỹ db x-trackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF công bố kết quả tái cơ cấu danh mục quý II/2019 với việc thêm mới cổ phiếu POW và loại bỏ HNG khỏi danh mục. Trong một diễn biến khác, danh mục FTSE Vietnam All-Share Index thêm mới ba cổ phiếu là POW, TPB, PPC và PHR, trong khi loại ra HNG và EIB.

Trong cơ cấu danh mục của FTSE Vietnam Swap UCITS ETF tính đến 5/6, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup chiếm tỉ trọng lớn nhất với 15,94%, theo sau đó là VNM và VHM với tỉ trọng lần lượt 14,16% và 13,97%. Trong nhóm cổ phiếu có tỉ trọng lớn hơn 10% còn có hai cổ phiếu khác là MSN (10,74%) và VRE (10,51%).

Sáng ngày 15/6 theo giờ Việt Nam, MV Index Solutions công bố kết quả review định kỳ quý II/2019 của VNM ETF với việc thêm cổ phiếu POW vào danh mục với tỷ trọng 4,22 % và loại 2 mã cổ phiếu DPM và STB. Sau đợt cơ cấu này, số lượng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục VNM ETF là 15 cổ phiếu, chiếm 70,59% danh mục quỹ.

Hai quỹ ETFs mua bán như thế nào trong tuần 17 - 21/6?

Trong tuần giao dịch 17 - 21/6, hai quỹ ETF thực hiện giao dịch tái cơ cấu, trọng tâm vào ngày 21/6. Dưới đây là thống kê giao dịch dự kiến của hai quỹ này.

etf

Dự kiến giao dịch của hai quỹ ETF trong tuần từ 17 - 21/6. Nguồn: Chứng khoán BSC

Theo ước tính của Chứng khoán BSC, đối với danh mục FTSE ETF, quỹ này sẽ mua vào khoảng 29.595 USD, tuy nhiên lại bán ra 2,59 triệu cổ phiếu. Cụ thể, cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) được mua vào số lượng lớn nhất với hơn 8 triệu cp, tương đương giá trị trên 5,2 triệu USD. 

Đứng thứ hai, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được mua vào hơn 1,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 3,4 triệu USD. Theo sau đó, hai cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes và VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) được mua lần lượt 810.948 cp và 434.084 cp, tương đương giá trị hơn 2,8 triệu USD và 2,4 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, quỹ FTSE ETF bán ra cổ phiếu HNG với giá trị lớn nhất khoảng 3,7 triệu USD, tương đương gần 5,7 triệu cp. Hai cổ phiếu khác "họ Vingroup" là cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail và VIC của Tập đoàn Vingroup – CTCP bị bán lần lượt hơn 2 triệu cp và 288.898 cp, tương ứng giá trị bán hơn 3 triệu USD và 1,4 triệu USD. 

Bên cạnh đó, cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI bị bán khoảng hơn 2,5 triệu USD, tương đương khối lượng hơn 2,4 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số cổ phiếu cũng bị quỹ này bán ra trong đợt cơ cấu danh mục quý II là PDR, CII, HPG, STB, GEX, NVL, TCH.

Với kết quả cơ cấu danh mục được công bố, quỹ VNM ETF dự kiến mua vào hơn 2,6 triệu cổ phiếu với giá trị 835.481 USD. Trong đó, cổ phiếu POW cũng được quỹ này mua nhiều nhất với hơn 5,2 triệu USD tương ứng khối lượng hơn 27,7 triệu cp. 

Xếp sau đó, cổ phiếu VHM được mua vào 651.417 cổ phiếu với giá trị gần 2,3 triệu USD; hai cổ phiếu BVH và VNM được mua 556.723 cp và 320.828 cp với cùng giá trị gần 1,8 triệu USD. 

Ở chiều bán ra, quỹ này bán ra nhiều nhất STB và DPM với số lượng lần lượt 11,2 triệu cp và 6,3 triệu cp, tương ứng giá trị 5,6 triệu USD và 4,8 triệu USD. Ngoài ra, một số cổ phiếu khác bị bán ra như VCB (2,7 triệu USD), NVL (2,5 triệu USD), SBT (1,4 triệu USD), ROS (1 triệu USD) và TCB, SSI, HPG, GEX.

Tổng hợp giao dịch của hai quỹ, cổ phiếu POW được mua vào mạnh nhất với gần 35,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 23 triệu USD. Một số cổ phiếu khác được mua vào gồm VHM (1,4 triệu cp), VNM (754.902 cp), VCB (566.723 cp). Các cổ phiếu còn lại được mua vào với khối lượng dưới 500.000 đơn vị như VCB, KBC, PVD, PLX.

Ở chiều ngược lại, hai quỹ ETF bán ra mạnh nhất STB với khối lượng dự kiến 11,7 triệu đơn vị, DPM (6,3 triệu cp), HNG (5,7 triệu cp), SSI (3,3 triệu cp), VRE (2,7 triệu cp). Các cổ phiếu cũng bị bán ra trong đợt này với khối lượng trên 1 triệu cp như TCH, SBT, NVL, HPG, GEX.

Khối ngoại giao dịch ra sao trước tuần thực hiện giao dịch cơ cấu danh mục?

Thống kê trên sàn HOSE tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 257 tỉ đồng tuần qua với khối lượng 15 triệu đơn vị. Cổ phiếu VNM có giá trị bán cao nhất (188,5 tỉ đồng). Cùng đạt mức bán ròng trên trăm tỉ còn có VHM (163,6 tỉ đồng) và HPG (148,6 tỉ đồng)

Trên HNX, khối ngoại mua ròng 13 tỉ đồng với khối lượng hơn 790.000 đơn vị. Khối này chủ yếu mua ròng SHB (6,1 tỉ đồng), ngoài ra có TNG (3,9 tỉ đồng), SHS (3,8 tỉ đồng), BCC (2,7 tỉ đồng). Cổ phiếu còn lại được mua ròng trên tỉ đồng là CEO (1,8 tỉ đồng).

Sơn Tùng