Hai quỹ ETF bị rút ròng hơn 113 triệu USD từ đầu năm
Trong khoảng thời gian gần đây, hai quỹ ETF là Market Vector Vietnam ETF (V.N.M ETF) và db x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE ETF) đã liên tục bị rút ròng chứng chỉ quỹ, điều này tạo ra áp lực ảnh hưởng không nhỏ tới dòng vốn ngoại tham gia thị trường.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì xu hướng rút ròng CCQ tại hai quỹ nói trên đã diễn ra trong khoảng thời gian khá dài. Theo thống kê của NDH, tính chung từ đầu năm 2016 tới phiên giao dịch ngày 23/11/2016, quỹ V.N.M ETF đã bị rút ròng tổng cộng 4,75 triệu CCQ (68,7 triệu USD) từ mức 25,65 triệu CCQ xuống chỉ còn 20,9 triệu CCQ. Tương tự, quỹ FTSE ETF cũng bị rút khoảng 2,1 triệu CCQ (44,4 triệu USD) từ mức 15,48 triệu CCQ xuống 13,36 triệu CCQ.
Trong vòng 60 phiên trở lại đây, quỹ V.N.M ETF liên tục giao dịch ở trạng thái Discount (thị giá thấp hơn một đơn vị giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ). Tương tự, quỹ FTSE ETF cũng đã có 22 phiên giao dịch ở trạng thái này. Tính từ đầu năm tới nay, số phiên hai quỹ trên giao dịch ở trạng thái Discount vào khoảng gần gấp đôi so với các phiên giao dịch ở trạng thái Premium.
Việc hai chững chỉ quỹ ETF liên tục bị rút ròng CCQ trong một thời gian dài cũng như rơi vào trạng thái Discount có phần khiến dòng tiền của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2016.
Tính từ đầu năm 2016 đến hết phiên giao dịch ngày 24/11, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 30 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng lên tới 4.955 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại trên HOSE đã bán ròng hơn 6.104 tỷ đồng (95,4 triệu cổ phiếu).
Đáng chú ý, khối ngoại thời gian trên đã bán ròng rất mạnh các cổ phiếu bluechips. Trong đó, VIC dẫn đầu giá trị bán ròng với hơn 6.098 tỷ đồng (126,8 triệu cổ phiếu). Tiếp sau đó là VNM với giá trị bán ròng hơn 1.453 tỷ đồng (10 triệu cổ phiếu). Hai cổ phiếu ngành thép là HPG và HSG cũng bị bán ròng lần lượt 832 tỷ đồng (25 triệu cổ phiếu) và 620 tỷ đồng (17 triệu cổ phiếu). VCB cũng nằm trong top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, đạt hơn 324 tỷ đồng (7,5 triệu cổ phiếu).
Mới đây, VCBS đã nhận định rằng quý 4 không phải là thời gian giải ngân ưa thích của khối ngoại. Theo đó, áp lực bán ròng của khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và trở thành yếu tố quan trọng chi phối diễn biến chỉ số từ nay tới cuối năm.