Hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam vẫn đang đàm phán để vay vốn
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đến nay trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công tư) còn hai dự án Diễn Châu-Bãi Vọt và Nha Trang-Cam Lâm nhà đầu tư vẫn đang phải đàm phán với các tổ chức tín dụng để vay vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm (doanh nghiệp dự án), nhà đầu tư đã ký hợp đồng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để huy động một phần vốn thực hiện dự án. Còn lại sẽ huy động bằng các kênh vốn khác.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Huy chia sẻ: "Mọi thủ tục về vốn của dự án đều đang diễn ra rất thuận lợi. Đối với phần vốn chủ sở hữu khoảng 1.000 tỷ đồng chúng tôi cũng đã góp đủ theo quy định."
Trong khi đó, theo đại diện chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, cho đến lúc này nhà đầu tư dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt chưa thể ký hợp đồng với tổ chức tín dụng dù dự án này được đánh giá rất khả thi về tài chính.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt là dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 11.157 tỷ đồng, lớn nhất trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam triển khai theo hình thức PPP. Ngoài phần vốn hỗ trợ của nhà nước 6.067 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ phải huy động 5.090 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Đại diện nhà đầu tư dự án Diễn Châu-Bãi Vọt cho hay, đơn vị đang tiếp tục đàm phán với ngân hàng thương mại để sớm ký hợp đồng tín dụng cho dự án này.
Một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo quy định, trong thời gian sáu tháng kể từ khi ký hợp đồng BOT với Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư sẽ phải chứng minh có đủ nguồn vốn huy động thực hiện dự án. Trường hợp nhà đầu tư không chứng minh được nguồn vốn huy động, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải tịch thu bảo lãnh và hủy hợp đồng với nhà đầu tư.
Về dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đại diện nhà đầu tư dự án này thông tin, chỉ sau hơn một tuần ký hợp đồng dự án với Bộ Giao thông Vận tải diễn ra cuối tháng Bảy vừa qua, nhà đầu tư dự án đã chốt xong phương án huy động vốn triển khai công trình với tổng đầu tư 8.925 tỷ đồng.
Tại dự án này, ngoài phần vốn của nhà nước khoảng 4.199 tỷ đồng, theo quy định của hợp đồng, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra khoảng 3.786 tỷ đồng gồm: 1.030 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 2.756 tỷ đồng vốn huy động.
Trái ngược với các dự án BOT giao thông đã từng triển khai khi nguồn vốn huy động của nhà đầu tư phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay của các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư của dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo lại có cách đi riêng, không dùng đến vốn vay từ phía các ngân hàng.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư), cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu tham gia đấu thầu, chúng tôi xác định không trông chờ vốn vay của các ngân hàng thương mại. Thay vào đó, đơn vị huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp."
Cũng theo ông Trần Văn Thế, hiện Tập đoàn Đèo Cả đang lập hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo với số tiền khoảng 2.700 tỷ đồng. Dự kiến, việc phát hành trái phiếu sẽ chia làm nhiều đợt trong thời gian ba năm theo tiến độ xây dựng của dự án.
Trong đó, đợt một sẽ phát hành vào cuối tháng Tám, đầu tháng 9/2021 với số tiền 500 tỷ đồng. Dự kiến, trái phiếu phát hành có kỳ hạn từ 3-5 năm, mức lãi suất khoảng 12%/năm.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Trần Văn Thế, nhà đầu tư dự án gồm Tập đoàn Đèo Cả và Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194 sẽ huy động vốn từ phát hành trái phiếu để cho doanh nghiệp dự án vay lại theo hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC).
“Tập đoàn Đèo Cả đã ký hợp đồng BCC với doanh nghiệp dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Còn lại nhà đầu tư Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194 cũng sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp dự án trong những ngày sắp tới. Đối với phần vốn chủ sở hữu 1.030 tỷ đồng, nhà đầu tư đã góp hơn 500 tỷ đồng và bắt đầu triển khai thi công trên công trường," ông Trần Văn Thế cho biết.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, ba dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức PPP gồm dự án Diễn Châu-Bãi Vọt, dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo và dự án Nha Trang-Cam Lâm.
Dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt dài 50km, tổng vốn đầu tư 11.157 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự án là liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp-Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Núi Hồng-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2.
Dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài 78,5km, giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự án là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả-Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194.
Về dự án Nha Trang-Cam Lâm, dự án này có chiều dài 50km, tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự án là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/