|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai địa phương có chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo vượt trên 40% trong 8 tháng đầu năm

13:59 | 06/09/2024
Chia sẻ
Tổng cục Thống kê cho hay, một số địa phương có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó, Lai Châu, Phú Thọ, Bắc Giang, Bình Phước và Thanh Hóa là những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành chế biến, chế tạo 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, so với cùng kỳ năm 2023, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.

Tốc độ tăng giảm IIP 8 tháng đầu năm nay so với các năm trước. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ TCTK).

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 6,0%.

Về chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II trong 8 tháng năm nay, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic đạt mức tăng trưởng cao nhất, tăng 29,5%. Ngược lại, ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên lại có mức giảm sâu nhất, tới 11,2%.

Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm nay cũng ghi nhận tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng 31%; thép cán tăng 17,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,6%; đường kính tăng 14,2%; xăng, dầu các loại tăng 12,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; sữa bột tăng 11,2%; điện sản xuất tăng 10,9%; thủy hải sản chế biến tăng 10,7%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí hóa lỏng LPG giảm 15,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 5,2%; bia giảm 3,7%; than sạch giảm 3,4%; alumin giảm 2,7%.

Lai Châu, Phú Thọ có chỉ số chế biến, chế tạo tăng trên 40%

Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP tháng 8 so với tháng trước ở một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ TCTK).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP tháng 8 so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn là: Hải Phòng tăng 17,2%; Bình Dương tăng 5,1%; Long An tăng 4,9%; Vĩnh Long tăng 2,3%; TP HCM tăng 2,2%; Bắc Giang tăng 1,7%; Hải Dương tăng 1,4%; Thái Nguyên tăng 0,8%; Vĩnh Phúc tăng 0,1%; Bắc Ninh giảm 9,6%.

Tính chung 8 tháng, IIP so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở hai địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Tốc độ tăng/giảm IIP so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Trong đó, những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Lai Châu, Phú Thọ, Bắc Giang, Bình Phước và Thanh Hóa. Trong đó, hai tỉnh Lai Châu và Phú Thọ đạt tăng trưởng trên 40%.

Những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thống kê).

Cục thống kê tỉnh Lai Châu cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt mức tăng 45,36% chủ yếu là do hoạt động sản xuất xi măng Portland đen tăng 2.382% đã tác động trực tiếp và chủ yếu đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Phú Thọ, có 11/19 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ: sản xuất thiết bị điện tăng gấp hơn 23 lần cùng kỳ; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 54,75%; sản xuất đồ uống tăng 49,39%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 12,61%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng 9,51%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,33%; sản xuất trang phục tăng 5,36%;... 

Về chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện, những phương đạt tăng trưởng cao trong 8 tháng năm nay gồm: Khánh Hòa, Trà Vinh, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Thanh Hóa.

Những địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao trong 8 tháng năm 2024 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thống kê).

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm. Cụ thể, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Hà Tĩnh giảm 4,4%; Quảng Ngãi giảm 3,2%; Gia Lai giảm 1,6%.

Những địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 8 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước gồm: Lạng Sơn giảm 16,4%; Quảng Ngãi giảm 13,1%; Thừa Thiên - Huế giảm 7,8%; Lâm Đồng giảm 5,7%; Gia Lai giảm 1,8%. Địa phương có chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm: Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 12,9%; Lâm Đồng giảm 11,1%; Quảng Trị giảm 1,8%. 

Anh My