|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai đề nghị bất ngờ của ông chủ Tân Hiệp Phát trên ghế nóng 'Cơ hội cho ai - Whose Chance'

09:09 | 30/10/2019
Chia sẻ
Doanh nhân Trần Quí Thanh mời một ứng viên có hàng chục năm kinh nghiệm quản lí mảng nhân sự về tập đoàn với mức lương chỉ 20 triệu, nhưng sẵn sàng "chào" lương 35 triệu cho ứng viên chưa có kinh nghiệm rõ ràng.

Những lời đề nghị bất ngờ của ông chủ các nhãn hàng Trà Thanh Nhiệt Dr Thanh và Trà Xanh Không Độ trong tập 7 của chương trình "Whose Chance" vào tối 26/10 khiến nhiều người xem và cả các ứng viên ngạc nhiên.

"Chọn xuất phát điểm phù hợp để phát triển, tốt hơn là chọn vị trí cao để bối rối"

Người lớn tuổi nhất trong số các ứng viên tham dự "Cơ hội cho ai – Whose Chance" hôm 26/10 là một nam ứng viên 36 tuổi, có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự. Ứng viên này từng trải qua vị trí Trợ lí Giám đốc, và Giám đốc Nhân sự cho một công ty trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thiết bị điện.

Hai đề nghị bất ngờ của ông chủ Tân Hiệp Phát trên ghế nóng 'Cơ hội cho ai - Whose Chance' - Ảnh 1.

Doanh nhân Trần Quí Thanh trong tập 7 của chương trình "Whose Chance". Ảnh: VTV3

Với kinh nghiệm thực tế xử lí các vấn đề về quan hệ lao động, ứng viên 36 tuổi dễ dàng "đè bẹp" ứng viên khác ở vòng đối mặt để được trực tiếp đàm phán vị trí, lương với các "Sếp" trên ghế nóng "Cơ hội cho ai - Whose Chance". 

Tập 7 là tập hấp dẫn, gay cấn bậc nhất trong show truyền hình thực tế này, bởi ứng viên rất có cá tính và kinh nghiệm giải quyết một trong những vấn đề phức tạp nhất của mảng nhân sự: quan hệ lao động.

Phần trình bày và đối đáp của ứng viên khá thu hút các sếp, thậm chí ứng viên tự tin cam kết với bà Lưu Nga (người sáng lập hãng thời trang Elise): "Em sẽ xây dựng cho công ty chị bộ qui trình của mảng nhân sự để giải quyết các vấn đề mà công ty gặp phải".

Đồng thời, ứng viên thể hiện rất nguyên tắc khi từ chối trả lời câu hỏi của một "Sếp" về lí do nghỉ việc tại công ty cũ, vì cho rằng "đó là điều không nên".

Màn thể hiện của ứng viên nhiều kinh nghiệm khiến các "Sếp" có đánh giá khác nhau. Bà Lưu Nga đã nâng mức lương đề nghị từ 30 lên 35 triệu cho vị trí Giám đốc nhân sự phía nam. Các "Sếp" khác đề nghị mức lương từ 20 - 30 triệu cho anh.

Nhưng doanh nhân Trần Quí Thanh đề xuất mức lương 20 triệu, với vị trí Chuyên viên nhân sự cấp cao thay vì vị trí Giám đốc nhân sự như mong muốn của ứng viên.

Cuối cùng ứng viên đã không thể đầu quân cho "sếp" nào vì mức lương kỳ vọng 60 triệu đồng mà ứng viên đưa ra với ban tổ chức vượt xa mức các "sếp" đề nghị, theo luật chơi của chương trình, ứng viên sẽ mất cơ hội.

Hai đề nghị bất ngờ của ông chủ Tân Hiệp Phát trên ghế nóng 'Cơ hội cho ai - Whose Chance' - Ảnh 2.

Ứng viên dàn dựng một vở kịch ngắn trong tập 7 của chương trình "Whose Chance". Ảnh: VTV3

"Đây là một ứng viên có kinh nghiệm, và rất tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề của mình. Tuy nhiên, vị trí giám đốc nhân sự cho một tập đoàn có hơn 4.000 con người với nhiều tầng năng lực và hàng trăm bộ phận có nghiệp vụ khác nhau là quá sức với ứng viên này", ông Thanh cho biết.

Cũng theo Dr Thanh, mặc dù trình bày rất thuyết phục trong tình huống cụ thể, nhưng ứng viên chưa đủ khả năng bao quát các mảng của nghề nhân sự, không hiểu nhiều về C&B, tuyển dụng, đào tạo - phát triển.

"Với quan điểm "đúng người - đúng việc", tôi cho rằng thà chọn xuất phát điểm phù hợp để phát triển tiếp, hơn là chọn vị trí cao để bối rối. Mặc cái áo quá chật thì gò bó, nhưng mặc cái áo rộng quá thì bùng nhùng", CEO Tân Hiệp Phát bình luận.

"Tạm ứng niềm tin"

Đề nghị mức lương 20 triệu cho ứng viên nhiều kinh nghiệm, nhưng "Sếp" Trần Quí Thanh sẵn sàng chi 35 triệu để mời một ứng viên trẻ chưa có kinh nghiệm rõ ràng.

Đó là một ứng viên nữ có khát vọng phát triển bản thân rất lớn, từng tự mày mò làm video gọi vốn cộng đồng để hiện thực hóa giấc mơ du học châu Âu, và trang trải cuộc sống trong thời gian học tập.

Hai đề nghị bất ngờ của ông chủ Tân Hiệp Phát trên ghế nóng 'Cơ hội cho ai - Whose Chance' - Ảnh 3.

Một ứng viên trẻ chưa có kinh nghiệm rõ ràng nhưng khát vọng lớn tham gia tập 7 của chương trình "Whose Chance". Ảnh: VTV3

Nói được 3 ngoại ngữ, nữ ứng viên này gây được sự chú ý lớn với các "Sếp" khi thuyết trình về kế hoạch của bản thân, bày tỏ niềm đam mê với mảng đào tạo và phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng (employer branding).

Cuối cùng, ứng viên được "Sếp" Trần Quí Thanh đề nghị mức lương 35 triệu đồng, cho vị trí chuyên viên đào tạo và truyền thông nội bộ.

"Ngoài việc chưa có kinh nghiệm, ứng viên này còn chưa phải là giỏi. Cô ấy ứng tuyển vị trí phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng, nhưng thực chất những gì mà cô ấy trình bày về mô tả công việc, thì đó lại là công việc của truyền thông nội bộ", "Sếp" Thanh nhận xét.

Tuy nhiên, lý giải cho mức lương cao đưa ra cho ứng viên, CEO Tân Hiệp Phát cho biết, ông nhìn thấy ứng viên có giá trị sống rất phù hợp với giá trị cốt lõi của tập đoàn, có khả năng thuyết trình, thuyết phục và trình bày mạch lạc các ý tưởng.

Hai đề nghị bất ngờ của ông chủ Tân Hiệp Phát trên ghế nóng 'Cơ hội cho ai - Whose Chance' - Ảnh 4.

CEO Tân Hiệp Phát coi con người là tài sản giá trị nhất của công ty, và rất coi trọng sự phù hợp giữa giá trị cá nhân với giá trị cốt lõi của công ty. Ảnh: VTV3

"Đó là những gì Tân Hiệp Phát cần ở những người trẻ. Cô gái này dám tự mình làm những việc khó như gọi vốn cộng đồng để nuôi dưỡng đam mê của mình. Ngoài ra, cô ấy có khả năng thuyết phục tốt, hiểu bản thân và có khát vọng lớn", ông nói. 

Theo Dr Thanh, trong môi trường của Tân Hiệp Phát, những nhân tố như vậy có thể phát triển nhanh và sau một vài năm có thể giữ vị trí cao hơn cấp chuyên viên. Mức lương ở các vị trí quản lí có thể cao hơn khá nhiều so với mốc 35 triệu. 

"Do đó mức lương tôi đưa ra chỉ là sự tạm ứng niềm tin vào một ứng viên bộc lộ rõ tiềm năng phát triển thôi", Dr Thanh giải thích.

Dr Thanh giải thích thêm rằng Tân Hiệp Phát coi con người là tài sản giá trị nhất của công ty, và rất coi trọng sự phù hợp giữa giá trị cá nhân với giá trị cốt lõi của công ty.

"Vì vậy, chúng tôi thường ưu tiên những người có giá trị cá nhân phù hợp, và có khát vọng lớn, tầm nhìn xa. Đào tạo phát triển năng lực có thể dễ dàng, nhưng thay đổi giá trị sống của cá nhân khó khăn hơn. Vì vậy, tìm được những người có giá trị tương đồng với công ty là một duyên may", "sếp" Thanh nói.

"Nếu chưa khám phá được bản thân, tốt nhất hãy làm đúng ngành"

Đó là lời khuyên của ông Trần Quí Thanh dành cho một ứng viên trẻ mới ra trường, trong chương trình "Cơ hội cho ai - Whose Chance". Cô gái này có hoàn cảnh cá nhân khá đặc biệt, khi cho biết cô vừa trải qua một quãng thời gian vật lộn với chứng trầm cảm. Cô gái học ngành marketing, có kiến thức cơ bản khá, nhưng loay hoay không biết giá trị cốt lõi của bản thân là gì và quyết định ứng tuyển vào vị trí chuyên viên nhân sự.

"Khi chưa khám phá được bản thân, tốt nhất hãy làm đúng ngành mình được học đã. Sau đó, công việc sẽ giúp em tự định hướng được cho mình", "Sếp" Thanh nói với ứng viên.


Nhạc Phong