Hà Nội sẽ xây dựng 3 tuyến tàu điện một ray ở đâu?
Tàu điện một ray trên thế giới - Ảnh internet |
Chiều nay (22/10), lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Hà Nội đã được quy hoạch xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km. Ngoài tàu điện hai đường ray, sẽ có một số tuyến tàu điện một ray (nomorail) nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.
Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 3 tuyến monorail tại Hà Nội gồm: Liên Hà - Tân Lập - An Khánh (huyện Đan Phượng và Hoài Đức) dài khoảng 11 km; Mai Dịch - Mỹ Đình - Văn Mỗ - Phúc La, Giáp Bát - Thanh Liệt - Phú Lương (quận Nam Từ Liên, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì) dài khoảng 22 km; Nam Hồng - Mê Linh - Đại Thịnhm (huyện Mê Linh, Sóc Sơn) dài khoảng 11 km và sau đó có thể kéo dài lên Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
“Hiện các tuyến đường sắt một ray trên mới dừng ở mức quy hoạch và chưa được nghiên cứu, khảo sát về hướng tuyến, phương án xây dựng cụ thể”, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt Hà Nội cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT cũng vừa có văn bản báo cáo Quốc hội về thực hiện chính sách phát triển và việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho GTVT đường sắt. Trong đó, Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2020-2030 sẽ xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu 160-200 km/giờ), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai. Tuyến đường sắt này sẽ được ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn. Đến năm 2050, hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc-Nam.
Cùng với phát triển đường sắt tốc độ cao, tại Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị để giải quyết ùn tắc giao thông. Theo quy hoạch, hai thành phố này đều có 8 tuyến đường sắt trung tâm và một số tuyến đường sắt một ray.
Tàu một ray (monorail) là một hệ thống vận tải vận hành trên một đường "ray" đơn, phần gọi là đường "ray" cũng vừa là dầm đỡ và là đường dẫn hướng đi. Tàu một tay có hai kiểu loại cơ bản: loại chạy trên thanh dầm và loại "treo" dưới thanh dầm. Hiện nay loại tàu một ray phổ biến nhất là loại chạy phía trên thanh dầm, trong đó đoàn tàu chạy trên một thanh dầm bê tông dự ứng lực có bề rộng khoảng 0,6 đến 0,9 m.