|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội muốn giữ một số sở đặc thù

14:52 | 25/12/2024
Chia sẻ
Hà Nội đề xuất giữ lại 5 sở và một cơ quan tương đương có yếu tố đặc thù, gồm Sở Giao thông Vận tải, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Du lịch, Ngoại vụ và Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Theo báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Hà Nội sẽ duy trì 10 sở và tương đương. Trong đó, 4 sở và cơ quan tương đương sẽ tiếp tục hoạt động theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, bao gồm Văn phòng UBND, Thanh tra thành phố, Sở Tư pháp và Sở Văn hóa - Thể thao.

Việc giữ lại 5 sở và một cơ quan tương đương do tính đặc thù và chuyên sâu của các lĩnh vực như quy hoạch đô thị và xây dựng, nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô. Sở Du lịch đã có những bước tiến lớn trong việc quản lý và phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào cơ cấu kinh tế thành phố.

Sở Ngoại vụ đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội và Việt Nam trên trường quốc tế với quan hệ hợp tác với gần 100 thành phố, thủ đô trên toàn thế giới.

Trung tâm Phục vụ hành chính công đang triển khai thí điểm nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả kiểm soát quy trình và phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Trụ sở HĐND UBND TP Hà Nội. (Ảnh: Giang Huy).

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ thực hiện sắp xếp, hợp nhất một số sở theo chủ trương của Trung ương. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư hợp nhất với Sở Tài chính thành Sở Kinh tế - Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Lao động Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động.

Ngoài ra, Ban Dân tộc sẽ bị giải thể, chức năng được chuyển giao về Sở Nội vụ. Sở Y tế sẽ tiếp nhận thêm chức năng quản lý về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động Thương binh Xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp nhận chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động Thương binh Xã hội.

Sở Công Thương sẽ tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở. Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được hợp nhất thành Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp.

Về cơ quan báo chí, có hai phương án được đề xuất. Một là giữ nguyên hai cơ quan là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và báo Kinh tế - Đô thị; hai là sáp nhập báo Kinh tế - Đô thị vào báo Hà Nội mới theo chỉ đạo của Trung ương.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội sẽ bị giải thể. Nhiệm vụ xúc tiến đầu tư chuyển về Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội thuộc Sở Tài chính; xúc tiến thương mại và dịch vụ chuyển về Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương; xúc tiến du lịch chuyển về Sở Du lịch; và xúc tiến đầu tư nước ngoài do Sở Ngoại vụ đảm nhiệm.

Đối với cấp chi cục và tương đương thuộc sở, thành phố dự kiến giảm 3 chi cục bằng cách chuyển Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường và Chi cục Dân số Hà Nội thành các phòng chuyên môn thuộc các sở liên quan, đồng thời tăng một đơn vị tương đương chi cục là Ban Dân tộc thuộc Sở Nội vụ.

Mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cũng sẽ kết thúc và nhiệm vụ được chuyển về Phòng Quản lý đô thị cấp huyện. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành cũng sẽ được rà soát, chỉ giữ lại những đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng đủ tiêu chí.

Sau quá trình sắp xếp, dự kiến Hà Nội sẽ giảm 6 sở và cơ quan tương đương, 2 chi cục và tương đương, 1-2 đơn vị sự nghiệp và 2 phòng và tương đương cấp huyện. Để giảm thiểu tác động đến cán bộ, công chức, viên chức, thành phố sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ và điều tiết nhân sự phù hợp.

Võ Hải