|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội: Mải xây chung cư, 'bỏ quên' trường học

19:30 | 15/06/2018
Chia sẻ
Một thực tế hiện nay là các dự án chung cư đang rầm rộ mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, hạ tầng xã hội đi kèm với các dự án bất động sản này lại không được chú trọng một cách đặc biệt. Thực tế này buộc các các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các Hiệp hội phải lên tiếng, đề nghị xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, cũng như đòi hỏi thành phố trong thời gian tới cần những giải pháp chặt chẽ, mạnh mẽ hơn.

Thiếu trách nhiệm phát triển hạ tầng xã hội

Theo ước tính, tại Hà Nội có trên 500 dự án Khu đô thị và nhà ở thương mại, khu nhà ở. Hàng loạt dự án được mở ra, bộc lộ bất cập do công tác quy hoạch và xây dựng của nhiều khu đô thị chưa đáp ứng đúng mục tiêu ban đầu, đặc biệt là hệ thống trường học. Thậm chí, tại nhiều nơi, dù các hộ dân đã chuyển tới sinh sống rất lâu nhưng trường học chưa có hoặc xây dựng với tiến độ chậm, gây quá tải cho các trường lân cận.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo, hiện nay trên địa bàn thành phố có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai, đặc biệt là có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học) so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Còn theo khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hà Nội về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, chỉ có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; còn lại các dự án có quy hoạch hạ tầng xã hội, nhưng chậm triển khai.

ha noi mai xay chung cu bo quen truong hoc
Có một thực tế khá phổ biến trong xây dựng các khu đô thị, đó là hầu như không thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt.

Cụ thể, khu nhà ở trên đường Hồ Tùng Mậu còn 1 trường tiểu học liên cấp và THCS đang triển khai xây dựng; dự án Tây Nam Linh Đàm chưa xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS. Ngoài ra, ở một số khu đô thị đã xây dựng công trình hạ tầng xã hội, nhưng quy mô các công trình còn nhỏ so với quy mô dân số…

Một số dự án khác như: Khu đô thị Ðoàn ngoại giao, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Ðỉnh, Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, Khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex 2, Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco... Các dự án này khi được phê duyệt đều có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng không đồng bộ với tiến độ xây dựng nhà ở.

Việc mải mê xây dự án nhưng lại “quên” xây trường đã vô tình đặt gánh nặng lên hệ thống các trường có sẵn trên địa bàn. Bên cạnh đó, khi hệ thống trường công lập dù xây mới thêm cơ sở vẫn chưa đáp ứng nổi, các trường tư thục được mở ra với mức học phí cao do giá thuê mặt bằng cao, thậm chí phải mở thêm các lớp để bù đắp chi phí sẽ tạo áp lực lên người dân, mà chất lượng đào tạo cũng chưa chắc được đảm bảo.

Có một thực tế khá phổ biến trong xây dựng các khu đô thị, đó là hầu như không thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Chủ yếu danh mục nhà ở được ưu tiên xây trước, còn mọi hạng mục khác như trường học chỉ được tính đến khi đã thực hiện xây dựng xong các nhà ở, thậm chí một số nơi cố tình chây ì không xây dựng trường. Ngay cả việc bố trí xây dựng trường học trong tòa nhà chung cư cũng nảy sinh một số chồng chéo trong quy định, bất lợi cho các nhà trường.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội cho rằng, do quyết định phê duyệt đầu tư chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng xã hội, dẫn đến một số chủ đầu tư bỏ hoang đất hoặc có thực hiện, nhưng tiến độ chậm.

Mặt khác, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội lợi nhuận thấp; các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn chậm, chưa cụ thể... là lý do khiến các chủ đầu tư không mặn mà. Chưa kể tình trạng người mua nhà để kinh doanh, không sử dụng ngay dẫn đến khi xây dựng xong nhà trẻ, trường học không đủ học sinh... Đây cũng là cái cớ để chủ doanh nghiệp đầu tư xây dựng một cách cầm chừng.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai

ha noi mai xay chung cu bo quen truong hoc
VNREA kiến nghị các công trình hạ tầng xã hội phải được đầu tư song song với công trình nhà ở.

Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, thực tiễn, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng còn nhiều bất cập, bố trí quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội ở một số khu đô thị, khu nhà ở cao tầng còn chưa đảm bảo tính khả thi (đất xây dựng trường ở khu vực nghĩa trang, khu vực ao hồ, khu vực dân cư, khu vực đường giao thông, khu vực khó GPMB, nằm trong quy hoạch hành lang xanh…). Đó là những thực trạng rất cần khắc phục.

Trước tình hình đó, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố, khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành.

Theo đó, các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, UBND thành phố cần thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Các sở, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất với UBND thành phố phương án xử lý đối với công trình hạ tầng xã hội không triển khai hoặc chậm tiến độ nhằm bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng.

Trong văn bản gửi Cục Quản lý thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) góp ý cho Đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”, Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, đối với công tác quy hoạch hiện đang tồn tại tình trạng dễ làm, khó bỏ. VNREA cũng kiến nghị các công trình hạ tầng xã hội phải được đầu tư song song với công trình nhà ở. Chủ đầu tư chỉ được phép kinh doanh nhà ở khi đã đầu tư xong công trình hạ tầng xã hội.

Cùng với đó, theo Hiệp hội, cần nghiêm cấm bố trí quy hoạch, các công trình hạ tầng xã hội vào vị trí dân cư hiện hữu, nghĩa trang hoặc khu vực khó giải phóng mặt bằng.

Xem thêm

Nhật Bình

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.