Hà Nội dự kiến thời điểm chuyển bến xe Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình thành bãi đỗ xe
Công văn của UBND TP. Hà Nội cho biết, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và giao các sở, ngành triển khai lập đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm chung chuyển trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các bến xe khách liên tỉnh hiện có của Hà Nội sẽ được được chuyển chức năng. |
Đến thời điểm này, các nội dung trong đồ án cũng được hội đồng thẩm định thành phố cho ý kiến, cơ bản hoàn chỉnh và để triển khai thực hiện, Thành phố đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cho ý kiến về nội dung được đề cập trong bản Quy hoạch.
Theo Quy hoạch của TP. Hà Nội, mạng lưới bến xe khách liên tỉnh sẽ được bố trí trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng (Vành đai 4) theo các hướng, kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Do đó, sẽ từng bước thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có đang khai thác sử dụng trong Vành đai 3 hiện nay ra khu vực Vành đai 4.
Trước mắt, các bến xe hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô như hiện nay. Cụ thể, Bến xe Gia Lâm, Giáp Bát dự kiến sau năm 2020 và Bến xe Mỹ Đình sau năm 2025, sẽ chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Bến xe Nước Ngầm dự kiến sau năm 2025 chuyển thành đầu mối giao thông công cộng.
Để thay thế, Hà Nội sẽ xây mới hàng loạt bến xe khách liên tỉnh theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc. Đồng thời, vùng lõi đô thị từ Vành đai 3 trở vào sẽ được ưu tiên cho các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng nhằm sử dụng tối đa diện tích đất hiện có. Bên cạnh đó, thành phố chủ trương rà soát tổng thể các dự án được đồng ý thực hiện trước đây, nhưng chậm triển khai, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các nhà đầu tư nếu không tiếp tục triển khai sẽ chịu thu hồi dự án.
Hà Nội sẽ xây mới hàng loạt bến xe khách liên tỉnh theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc: Xây mới bến xe liên tỉnh phía Bắc - Bến xe Nội Bài (vị trí giao giữa đường Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Bắc Thăng Long - Nội Bài, giáp tuyến đường sắt đô thị số 6). Xây mới Bến xe khách Đông Anh (nằm tại điểm giao cắt quốc lộ 3 với đường Vành đai 3, giáp tuyến đường sắt đô thị số 4). Xây mới Bến xe Cổ Bi (nằm tại vị trí kẹp giữa đường sắt vành đai và quốc lộ 5 thuộc xã Cổ Bi, giáp tuyến đường sắt đô thị số 1).Xây mới Bến xe khách phía Nam (đề xuất tại phía Nam Khu công nghiệp Ngọc Hồi, phía Đông Ga Ngọc Hồi), bảo đảm kết nối thuận lợi với tuyến đường sắt đô thị số 1. Xây mới Bến xe khách Yên Nghĩa trên vị trí bến xe hiện nay.Xây mới Bến xe khách liên tỉnh phía Tây (nằm cạnh nút giao Vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long, giáp tuyến đường sắt đô thị số 5); Bến xe khách liên tỉnh Phùng (nằm sát vị trí giao giữa quốc lộ 32 và đường Vành đai 4, giáp tuyến đường sắt đô thị số 3)... |
Xem thêm |