|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội chi gần 30.000 tỷ xây 204 bãi đỗ xe

07:49 | 06/12/2018
Chia sẻ
Ngày 5/12, 100% ĐB HĐND TP Hà Nội có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe...
ha noi chi gan 30000 ty xay 204 bai do xe
Bãi trông giữ xe cao tầng phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội luôn chật kín xe gửi. Ảnh Khánh Linh.

Tạm thời giữ lại 4 bến xe lớn, xây thêm bến Yên Sở

Quy hoạch của thành phố về hệ thống bến xe, bãi đỗ xe đã được trình trước đó với lộ trình đóng cửa các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Sở và chuyển công năng thành các bãi đỗ xe công cộng, bãi trung chuyển. Theo đó, bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ đóng cửa từ năm 2020, hai bến còn lại dừng hoạt động từ năm 2030. Nhưng lần này, HĐND TP đã thông qua Quy hoạch với thay đổi theo hướng, các bến xe khách liên tỉnh nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm tạm thời được giữ lại.

Cụ thể, các bến xe lớn nằm trong trung tâm đô thị như bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ thực hiện quy hoạch và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có. Cùng với đó, trong giai đoạn trung hạn, Hà Nội sẽ xây dựng bến xe khách Yên Sở với diện tích khoảng 3,4 ha để hỗ trợ các bến xe hiện có.

Về lâu dài, sau khi đầu tư hoàn thành bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - đường vành đai 4), các bến xe khách Yên Sở, Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe. Khi đó, các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại 2 bến xe khách này sẽ được điều chuyển về bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam.

Trong quy hoạch dài hạn, Hà Nội cũng sẽ quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm, gồm: Bến xe khách phía Bắc 10ha; bến xe khách Đông Anh 5,3ha; bến xe khách phía Đông Bắc (bến xe Cổ Bi) 10,4ha; bến xe khách phía Nam 10ha; bến xe khách Yên Nghĩa 7ha; bến xe khách phía Tây 5ha; bến xe khách phía Tây Bắc (Phùng) 15ha.

Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch bến xe khách theo định hướng quy hoạch chung các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt; còn các thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái sẽ bố trí các bến xe khách quy mô từ 1-5 ha đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

ĐB Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) đánh giá đây là quy hoạch được trông đợi rất lâu, bởi cả các cơ quan của thành phố và nhân dân cử tri đều mong đợi một quy hoạch được triển khai trên thực tế, đáp ứng nhu cầu GTVT trên địa bàn thành phố, nhằm khắc phục những hạn chế của quy hoạch trước đây về bến bãi đỗ xe. Ông Bình cũng nhận định các chỉ tiêu đề ra đã đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố với chỉ tiêu 3,23%.

ĐB Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín) cũng nhận định đây là quy hoạch hết sức cần thiết để đảm bảo trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng và khai thác các bến xe. Khi các cơ quan thực hiện quy hoạch, ông Tiến cho rằng trong 10 - 20 năm nữa, các cơ quan chuyên ngành cần kết hợp chặt chẽ với đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông, đặc biệt ở đường vành đai 3 cần có những bến xe, bãi đỗ xe máy phục vụ nhân dân.

Thành phố sẽ có 450 bãi đỗ xe cao tầng

Bên cạnh đó, quỹ đất quy hoạch được thành phố thông qua sẽ dành 72,59ha đất đô thị trung tâm để xây các bến xe khách, 1.805,7ha dùng để xây bãi đỗ xe.

Về quy hoạch bãi đỗ xe, Hà Nội dự kiến quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung, trong đó có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm; 450 bãi đỗ xe cao tầng, còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất. Theo đánh giá của thành phố, mạng lưới bãi đỗ xe công cộng như quy hoạch sẽ đáp ứng khoảng 66% tổng nhu cầu đỗ xe của thành phố, nhu cầu đỗ xe còn lại được phân bổ vào công trình xây dựng (công cộng, dịch vụ, hỗn hợp, trụ sở, trường đào tạo, nhà ở cao tầng...) theo hướng tăng tầng hầm, tăng diện tích đỗ xe đảm bảo đáp ứng nhu cầu bản thân và một phần nhu cầu công cộng của khu vực xung quanh.

Theo dự kiến phân kỳ đầu tư, trong giai đoạn 2018-2025, Hà Nội sẽ đầu tư 5 dự án bến xe khách liên tỉnh (gồm các bến: Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài, bến phía Nam và bến Sơn Tây 1) với tổng diện tích khoảng 41,95ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 2.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự kiến đầu tư 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô đạt diện tích đỗ xe khoảng 183,56ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 29.872 tỷ đồng (chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa).

Trong giai đoạn 2025-2030 sẽ đầu tư các dự án bến xe khách tại các đô thị vệ tinh với 12 dự án (gồm các bến: Phùng, bến phía Tây, Cam Thượng, Xuân Khanh, Bắc Hòa Lạc, Nam Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Phú Xuyên, Mai Đình, Tân Minh), tổng diện tích khoảng 57ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 3.254 tỷ đồng.

Đồng thời, dự kiến đầu tư các dự án bãi đỗ xe công cộng chưa đầu tư trong phạm vi đô thị trung tâm với khoảng 1.334 dự án, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 232.723 tỷ đồng.

Một số biện pháp thực hiện quy hoạch được thành phố đưa ra gồm rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã chủ trương đầu tư; xây dựng, ban hành danh mục các dự án đầu tư hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận trên địa bàn để kêu gọi xã hội hóa; Cho phép bố trí kết hợp các chức năng thương mại, dịch vụ tiện ích trong các bãi đỗ xe ngầm để tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư.

Năm 2019, Hà Nội được giao gần 10.000 biên chế

Cùng ngày, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2019.

Theo đó, biên chế hành chính cho các cơ quan của thành phố, quận, huyện, thị xã là 9.906 chỉ tiêu, trong đó biên chế công chức là 8.227 (gồm dự phòng 17 biên chế) và 1.437 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và 242 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo định mức.

Biên chế sự nghiệp của TP được giao năm 2019 là 143.969 người, trong đó biên chế viên chức là 123.765 (gồm dự phòng 17 biên chế); 12.274 chỉ tiêu lao động hợp đồng và 8.930 lao động hợp đồng theo định mức.

Xem thêm

Hoài Thu