Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận nội thành từ năm 2025
UBND Hà Nội mới đây đã có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND TP về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030, theo Zing.
Theo báo cáo, với Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, TP tiếp tục thực hiện đo kiểm khí thải môtô, xe máy cũ đang lưu hành làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Liên quan đến đề án trên, UBND TP cho biết Sở GTVT đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm TP.
Tiếp theo, sau năm 2030, sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Như vậy, việc dừng hoạt động xe máy tại các quận được nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm so với Nghị quyết 04 xác định mốc thời gian cấm xe máy tại các quận là vào năm 2030.
Với Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, TP sẽ xây dựng đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện để tổ chức thực hiện trong thời điểm thích hợp; xin ý kiến của các cấp ngành, nhà khoa học.
Cũng theo báo cáo, trong thời gian qua, Hà Nội đã đạt được một số thành tựu quan trọng như tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng đều hàng năm, đến năm 2021 ước đạt 10,21%; 63 điểm ùn tắc giao thông được giải quyết; tại nạn giao thông liên tục giảm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Bên cạnh đó, vận tải hành khách công cộng tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng, góp phần kiềm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, từng bước tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng của người dân.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, TP đã mở mới 14 tuyến buýt, nâng tổng số tuyến buýt trong toàn mạng lên 140 tuyến.
Song, UBND TP cũng nêu những tồn tại, hạn chế như tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh; vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, chưa có lộ trình di dời cơ quan Trung ương trong nội thành.