|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội: 90% người được hỏi ủng hộ lộ trình cấm xe máy

20:46 | 28/06/2017
Chia sẻ
UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình dự thảo nghị quyết về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030".
ha noi 90 nguoi duoc hoi ung ho lo trinh cam xe may
Hà Nội nêu rõ, do phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh, ở mức báo động, trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích và chiều dài đô thị lại không đuổi kịp, dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ngày càng nghiêm trọng.

Trong tờ trình, Hà Nội nêu rõ, do phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh, ở mức báo động, trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích và chiều dài đô thị lại không đuổi kịp, dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ngày càng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến phức tạp mà 70% là do vận tải cơ giới đường bộ gây nên.

Trong quá trình xây dựng đề án, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lấy phiếu khảo sát, điều tra phỏng vấn xã hội học với số lượng 15.337 phiếu, phạm vi ở 30 quận, huyện, đối tượng là các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố.

Kết quả cho thấy, 84% ủng hộ hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cá nhân; 90,35% ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy, nhưng yêu cầu có vận tải hành khách công cộng đủ đáp ứng nhu cầu đi lại.

71,76% số người được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông.

Theo UBND thành phố Hà Nội, mục tiêu nghị quyết là tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng, đảm bảo đến năm 2020 đạt 30-35% tổng nhu cầu đi lại; năm 2030 khoảng 50-55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%; năm 2030 đạt 40%.

Tờ trình cũng nêu các giải pháp mà chính quyền Thủ đô dự định tiến hành.

Thứ nhất, quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, lập quy hoạch phát triển phương tiện giao thông đường bộ; xe kinh doanh vận tải hành khách 9 chỗ ngồi trở xuống ứng dụng công nghệ hoạt động như taxi phải được quản lý như taxi; cấp hạn ngạch đối với taxi và các phương tiện như Uber, Grab; xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện để phục vụ kinh doanh.

Thứ hai, quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông. Theo đó, quản lý chặt chẽ chất lượng theo đăng kiểm và niên hạn sử dụng phương tiện giao thông cơ giới; rà soát thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng để thu hồi, xử lý với xe không đảm bảo chất lượng.

Thứ ba, quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông. Trong giải pháp này, Hà Nội dự tính ban hành quy định hoạt động của taxi ngoại tỉnh, xe Uber, Grab trên địa bàn cho phù hợp; xe tải, xe cung ứng thực phẩm chở hàng cho siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn chỉ chạy vào ban đêm.

Đồng thời, phân vùng hạn chế hoạt động xe máy, tiến tới cấm xe máy năm 2030; quy định dừng hoạt động đối với xe xích lô trên địa bàn thành phố.

Thứ tư, tiếp tục rà soát điều chỉnh giờ học, giờ làm việc và kinh doanh dịch vụ, nhằm giảm mật độ phương tiện giao thông trong giờ cao điểm.

Về lộ trình thực hiện, chính quyền Hà Nội dự tính, từ 2017-2018 sẽ thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017-2020, tập trung quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ ở khu vực thường xuyên tắc.

Giai đoạn 2017-2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian; chuẩn bị cấm xe máy vào năm 2030.

Kiều Linh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.