Hà Nội đẩy mạnh phát triển thương mại điện và logistic
Chiều 13/8, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy chủ trì làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và UBND TP; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực Công nghiệp và Thương mại của TP Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đặt ra 5 nhóm vấn đề lớn để cùng với Hà Nội và cả nước tập trung thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, phát triển công nghiệp - thương mại theo hướng nhanh và bền vững.
Một là, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong phát triển các ngành công nghiệp của Thủ đô, hướng trọng tâm và đi vào chiều sâu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Hà Nội cần phải trở thành trung tâm và là đầu mối tạo dựng các chuỗi liên kết trong phát triển công nghiệp của Vùng và của cả nước. Theo hướng này, trước mắt Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch để hình thành một Trung tâm hỗ trợ kĩ thuật phát triển cho lĩnh vực công nghiệp đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đồng thời, trong phát triển công nghiệp của Hà Nội cần lưu ý để khai thác và phát huy tiềm năng của 1.350 làng nghề và làng có nghề với rất nhiều sản phẩm truyền thống, có giá trị. Bên cạnh đó, cần bám sát Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 để có kế hoạch, bước đi rõ ràng cho các giai đoạn sắp tới.
Hai là, bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội theo mục tiêu định hướng đề ra cho Chiến lược 10 năm tới.
Trong đó, cùng với quá trình xây dựng Qui hoạch điện VIII, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với Hà Nội để thực hiện các khâu trong công tác xây dựng và hướng dẫn triển khai Quy hoạch điện lực của Thủ đô. Cùng với đó là tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, thúc đẩy xuất khẩu, khai thác hiệu quả các cơ hội mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do FTAs mà Việt Nam đã kí kết, đặc biệt là các FTAs thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Hà Nội vừa là trung tâm sản xuất lớn, nhưng đồng thời cũng là địa bàn của các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu lớn của cả nước. Do vậy, nếu các doanh nghiệp của Hà Nội tận dụng tốt các FTAs sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất lớn trong để các địa phương và doanh nghiệp khác trong Vùng và trong cả nước cùng làm tốt.
Bộ Công Thương đã có báo cáo rất cụ thể với Chính phủ về kế hoạch triển khai các FTA này, đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động lớn trên địa bàn Hà Nội để tổ chức thực thi các cam kết hội nhập. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hà Nội để triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động này.
Bốn là, đặt trọng tâm cao hơn vào thúc đẩy thương mại trên địa bàn TP, thúc đẩy nhu cầu nội địa để đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng của Hà Nội và của cả nước trong thời gian tới. Cùng với đó là bảo đảm kiểm soát tốt trật tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho phát triển kinh tế của Thủ đô.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển thương mại nội địa đến năm 2035 đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ, Bộ sẽ cùng với Hà Nội tiếp tục cụ thể hóa và xây dựng các chương trình, hoạt động một cách căn cơ và dài hạn hơn nhằm tạo đột phá trong khâu tổ chức thị trường và phát triển thương mại nội địa trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.
Năm là, tập trung chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của Hà Nội trong những giai đoạn phát triển tiếp theo. Đây chính là cơ hội để tạo động lực mới và không gian mới rộng lớn hơn cho phát triển của Hà Nội thời gian tới.
Bộ Công Thương và Hà Nội sẽ căn cứ vào Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai những chương trình cụ thể thực hiện các mục tiêu trong phát triển thương mại điện tử của Hà Nội và của cả nước trong giai đoạn 5 năm tới đây.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu 22 nội dung hợp tác cụ thể giữa Hà Nội và Bộ Công Thương trên 3 lĩnh vực lớn: Công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Cụ thể Bộ Công Thương và Hà Nội sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phát vào ngành sản xuất sử dụng công nghệ hiện đại, kĩ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức. Phấn đấu giai đoạn tới tỉ trọng công nghiệp-xây dựng-thương mại chiếm khoảng 23%.
Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ Hà Nội đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp tại Sóc Sơn, Đông Anh...; phối hợp, hỗ trợ xúc tiến đầu tư FDI vào khu công nghệ cao Hòa Lạc; tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư kinh doanh, ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao mới; hỗ trợ đào tạo nhân lực; phối hợp nâng tầm triển lãm hội trợ ngành công thương.
Về lĩnh vực năng lượng, Bí thư Thành ủy đề nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực do tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Tổng Công ty Điện lực thành phố sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Bên cạnh đó hướng dẫn Thành phố lập phương án cấp điện theo qui hoạch, hướng dẫn triển khai quản lí qui hoạch, phát triển ngành điện tại địa phương, giải quyết kịp thời vướng mắc trong phát triển điện lực. Thành phố cũng tăng cường phối hợp với Bộ trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình, đề án về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực. Hướng dẫn trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Trong lĩnh vực thương mại, đề nghị Bộ hỗ trợ Thành phố xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của thành phố. Hỗ trợ Thành phố triển khai có hiệu quả đề án quản lí và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025; hướng dẫn thành phố trong quá trình nghiên cứu thí điểm triển khai mô hình mới hoạt động logistic...