|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội còn hơn 1.700 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ

15:49 | 31/08/2022
Chia sẻ
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Hà Nội vẫn còn số vốn trên 1.728 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Sáng 31/8, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn Thành phố; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của cấp của Hà Nội và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022; định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

1.728 tỷ đồng chưa được phân bổ

Liên quan tới kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, tính đến hết tháng 8 mới đạt 27,1% kế hoạch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 54 ngày 15/8/2022 phê bình, đôn đốc các Bộ/ngành/địa phương có kết quả giải ngân thấp dưới mức trung bình cả nước, trong đó có TP Hà Nội.

Thực trạng cho thấy, hiện một số dự án đã được bố trí vốn nhưng do nhiều nguyên nhân, không đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Trong khi đó, một số dự án lại có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ hoặc đã đủ thủ tục, điều kiện để bố trí vốn khởi công…

Đặc biệt, thành phố vẫn còn một số nguồn vốn với tổng số tiền khoảng trên 1.728 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết cũng đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là các chương trình rất quan trọng của Thành phố, cần sớm được phân bổ vốn để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tăng thêm trong năm 2022 theo Nghị quyết số 27 ngày 08/12/2021 của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 của Hà Nội.

Xác định trách nhiệm của đơn vị chậm giải ngân

Đồng thời,Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong tổ chức thực hiện đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của Thành phố theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 54 ngày 15/8/2022.

Cần tính đến giải pháp xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả thành phố.

Cũng như, thảo luận về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư và đảm bảo tỷ lệ giải ngân cuối năm 2022 phải đạt tối thiểu 90%, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Cho ý kiến về nhu cầu điều chỉnh, bổ sung vốn cho các chương trình, dự án trọng điểm của Thành phố; cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị cụ thể của Ban cán sự đảng UBND Thành phố nêu ra trong báo cáo.

Bí thư Thảnh uỷ Hà Nội cũng đề nghị hội nghị thảo luận, cho ý kiến bước đầu về mục tiêu, định hướng, nguyên tắc và thứ tự phân bổ vốn, danh mục dự án năm 2023, đảm bảo phải phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và HĐND Thành phố thông qua; phù hợp với quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn để thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố và các Chương trình, kế hoạch công tác của thành phố…

Bên cạnh đó, thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể về các nội dung rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, để đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố đã đề ra và hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 sau khi được điều chỉnh.

Hạ An

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.