|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Giang: Thông xe tuyến vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam-Trung Quốc

22:10 | 04/08/2023
Chia sẻ
Việc thông xe 2 tuyến vận tải đường bộ quốc tế Việt-Trung nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách giữa hai nước.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trao đổi các nội dung ghi nhớ đã ký kết giữa hai bên. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN).

Ngày 4/8, tại cặp cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam)-Đô Long (Trung Quốc), Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang (Việt Nam) phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Lễ thông xe 2 tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế Việt-Trung.

Hai tuyến vẫn tải gồm Hà Giang-Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam)-Cửa khẩu Đô Long (Trung Quốc)-châu Văn Sơn và ngược lại; Hà Giang-Cửa khẩu Thanh Thủy (Việt Nam)-Cửa khẩu Thiên Bảo (Trung Quốc)-châu Văn Sơn và ngược lại.

Lễ thông xe 2 tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế Việt-Trung nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách giữa hai nước.

Cùng đó, hai bên sẽ sớm tổ chức đưa vào hoạt động cặp cửa khẩu và 2 tuyến vận tải đường bộ quốc tế mới được Bộ Giao thông Vận tải hai nước bổ sung ký kết ngày 30/12/2022.

Nhân dịp này, hai bên cũng triển khai các nội dung ghi nhớ đã ký kết giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); nội dung biên bản hội đàm giữa Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và Cục Giao thông Vận tải châu Văn Sơn (Trung Quốc) ký ngày 10/5/2023.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang khẳng định, việc thông tuyến vận tải đường bộ quốc tế Việt-Trung sẽ phát huy đầy đủ ưu thế về giao thông và du lịch giữa 2 nước, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại và logistics.

Hai tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế được khai thông sẽ đáp ứng nhu cầu thăm thân, lao động qua biên giới của người dân hai bên; tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và du lịch của hai bên.

Chuyến xe vận tải hàng hóa Trung Quốc đầu tiên nhập cảnh qua cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam). (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Ngay sau lễ thông xe tuyến vận tải hành khách Việt-Trung, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang sẽ lựa chọn đơn vị vận tải có kinh nghiệm và phương tiện đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế giữa hai bên. Đặc biệt, trong quá trình khai thác phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành... bà Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm.

Ngay sau lễ thông xe, các phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa đường bộ quốc tế Việt-Trung chính thức khởi động, đón những chuyến xe vận tải hàng hóa Trung Quốc đầu tiên nhập cảnh qua cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam).

Là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có đường biên giới dài trên 274 km tiếp giáp với Trung Quốc. Hà Giang có 4 cửa khẩu chính là Thanh Thuỷ (huyện Vị Xuyên), Săm Pun (huyện Mèo Vạc), Xín Mần (huyện Xín Mần) và Phó Bảng (huyện Đồng Văn); trong đó Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy là cửa khẩu có quy mô lớn nhất. Hoạt động xuất nhập khẩu đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngành thuế và ngân sách của tỉnh Hà Giang.

Việc thông xe 2 tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế Việt-Trung là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là một khởi đầu mới có ý nghĩa quan trọng để hai bên khôi phục và thúc đẩy giao lưu, hợp tác trực tiếp trên tất cả các lĩnh vực ngày càng phát triển và đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội hai địa phương, xây dựng tình đoàn kết-hữu nghị-hợp tác cùng phát triển giữa hai bên.

Minh Tâm-Văn Long

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.