|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

GSG sống lay lắt nhờ… thanh lý máy móc

08:39 | 30/09/2018
Chia sẻ
Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong vài năm nay, GSG thường xuyên bị lỗ.
gsg song lay lat nho thanh ly may moc
Năm 2018, GSG đặt mục tiêu doanh thu 6,25 tỷ đồng và lợi nhuận vỏn vẹn 150 triệu đồng. Lỗ lũy kế đến hết năm nay tiếp tục ở mức 69,28 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2014, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lỗ hơn 10,9 tỷ đồng; năm 2017, lỗ hơn 13,68 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến hết năm 2017 là 69,43 tỷ đồng. Năm 2017, theo Ban Kiểm soát Giày Sài Gòn (GSG), tình hình hoạt động của công ty có nhiều khó khăn do tạm ngừng sản xuất để tái cơ cấu, chủ yếu là hợp tác kinh doanh nhằm duy trì hoạt động, trang trải chi phí hằng tháng và trả thu nhập cho người lao động nên doanh thu không cao. Ngoài ra, chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí thuê đất, trợ cấp thôi việc cho người lao động, dẫn tới tiếp tục bị lỗ.

Cần 10 tỷ để ứng cứu khẩn cấp

Năm 2018, công ty đặt mục tiêu doanh thu 6,25 tỷ đồng và lợi nhuận vỏn vẹn 150 triệu đồng. Lỗ lũy kế đến hết năm nay tiếp tục ở mức 69,28 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông của GSG năm 2018, HĐQT cho biết công ty hiện đang trong quá trình chờ phê duyệt của Thành ủy, UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc gia hạn thời gian sử dụng đất, chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất từ đất công nghiệp sạch sang đất xây dựng công trình thương mại dịch vụ hỗn hợp. Theo quy định hiện hành, để được chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu bằng 20% giá trị đầu tư công trình xây dựng.

Do đó, HĐQT GSG đã đề xuất huy động nguồn lực tài chính để tăng vốn điều lệ bằng các hình thức như phát hành riêng lẻ CP để hoán đổi nợ hoặc phát hành CP riêng lẻ để tăng vốn điều lệ tối thiểu 250 tỷ đồng (quy mô vốn điều lệ tối thiểu).

Đồng thời, tăng vốn điều lệ để được cho phép làm chủ đầu tư xây dựng công trình khi UBND TP chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian sử dụng đất, chuyển đổi hình thức thuê đất từ trả tiền hằng năm sang trả tiền một lần, chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất tại số 419 Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10) cho công ty.

Cũng tại đại hội cổ đông này, HĐQT GSG cũng xin ý kiến cổ đông được tìm kiếm, thương lượng, đàm phán với các tổ chức, cá nhân hoặc mượn gói tài chính 10 tỷ đồng để ứng cứu khẩn cấp nhằm giúp công ty trả nợ kịp thời cho đến khi tăng vốn điều lệ để bổ sung năng lực tài chính.

Chưa có đối tác xứng tầm

Cách đây không lâu, Cục Thuế TP.HCM yêu cầu Công ty cổ phần Giày Sài Gòn kê biên danh mục tài sản để thi hành quyết định cưỡng chế thuế đối với khoản nợ hơn 12 tỷ đồng tiền thuê đất quá hạn. Khu đất này rộng khoảng một hecta, nằm ngay trung tâm quận 10 được nhà nước cho công ty thuê với giá “khuyến mại” 100.000 đồng mỗi mét vuông trong suốt nhiều năm liền.

Theo lý giải của ban lãnh đạo Giày Sài Gòn, do nhiều đối tác truyền thống không tiếp tục ký hợp đồng nên công ty tạm ngưng sản xuất, gia công và giải thể các phân xưởng để tái cơ cấu. Trong thời gian này, nhằm đảm bảo đời sống cho nhân viên và giải quyết tạm thời những khó khăn trước mắt trong lúc tìm kiếm đối tác và phương án hoạt động mới, công ty tận dụng mặt bằng trống để hợp tác kinh doanh với đơn vị ngoài ngành.

Ngoài nguồn tiền cho thuê đất thì Giày Sài Gòn, từ một nhà máy nổi tiếng thời Pháp thuộc, sau giải phóng được chuyển đổi và phát triển thành doanh nghiệp đầu ngành da giày khu vực phía Nam, giờ phải sống lay lắt nhờ… doanh thu thanh lý máy móc, nguyên vật liệu hư hỏng và hàng tồn kho.

Liên quan đến khu đất 419 Lê Hồng Phong, tại cuộc họp mới đây Thường trực UBND TP thống nhất với đề xuất của Sở TN-MT về việc sử dụng khu đất này.

Theo đó, GSG được UBND TP cho sử dụng khu đất 419 Lê Hồng Phong để làm văn phòng, nhà kho và nhà xưởng với hình thức: Nhà nước cho GSG thuê đất, GSG trả tiền thuê đất hằng năm và thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 31/12/2020.

Trong quá trình sử dụng nhiều năm qua, GSG đem cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê lại mặt bằng 419 Lê Hồng Phong trái phép. UBND TP yêu cầu GSG chấm dứt ngay hành vi vi phạm; phải sử dụng đất đúng mục đích theo quyết định. Trường hợp GSG tiếp tục sử dụng đất không đúng mục đích hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất thì sẽ bị thu hồi theo quy định.

Từ thực tế của GSG, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận xét, doanh nghiệp này từng phát triển và rất tiềm năng trong ngành da giày, xuất khẩu nhưng sau cổ phần hóa lại làm ăn sa sút. Thực tế này cho thấy nhiều công ty cổ phần hóa chỉ nhằm thoái vốn nhà nước, giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước, không chú trọng đến việc tìm kiếm đối tác xứng tầm, giúp tăng sức mạnh công ty.

Do đó, bài học rút ra là cùng với việc bán vốn nhà nước, giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước ở các DN, việc cần làm là tìm kiếm đối tác chiến lược, đối tác có năng lực giúp hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nguyễn Việt