|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GS Võ Đại Lược: Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng chưa tận dụng hết

07:00 | 29/01/2017
Chia sẻ
Cho biết Việt Nam có rất nhiều lợi thế như sự ổn định về chính trị, vị trí chiến lược, có những cảng nước sâu hàng đầu thế giới, nhiều vịnh rất đẹp... nhưng theo GS.Võ Đại Lược, Việt Nam lại chưa khai thác tốt những lợi thế này.

Phóng viên có cuộc trao đổi với GS Võ Đại Lược về kinh tế Việt Nam năm 2016 và triển vọng năm tới.

Thưa GS, ông đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam năm 2016 vừa qua?

- Được xem là một nước tăng trưởng kinh tế cao so với các nước trên thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 đạt 6,68%. Năm 2016, Việt Nam lọt vào nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.

Tăng trưởng kinh tế cao nhưng thực tế sự tăng trưởng của Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề. Tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên , thâm dụng lao động và đặc biệt chỉ số sáng tạo của chúng ta không cao. Trong khi đó, yếu tố nước ngoài đóng vai trò quá lớn trong nền kinh tế. FDI hiện chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, còn lại 30% là khu vực nội địa với chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp, tài nguyên... Ngay cả công nghiệp, yếu tố nước ngoài cũng chiếm tới 50%. Như vậy nội lực của nền kinh tế còn yếu.

Nội lực nền kinh tế còn yếu nhưng các chương trình tái cơ cấu nêu ra vẫn chưa có những thay đổi căn bản về chất. Đầu tư công, hiệu quả còn thấp, đầu tư còn dàn trải lãng phí, tham nhũng tràn lan. Chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm trễ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa còn thấp.

Cổ phần hóa các doanh nghiệp hầu hết dưới 50%, theo tôi điều đó chỉ có hại chứ không có lợi. Bởi thực hiện cổ phần hoá cốt để thay đổi quản trị, để đội ngũ lãnh đạo tốt hơn nhưng nếu cổ phần hoá dưới 51% sẽ không có sự thay đổi về bộ máy quản lý. Nắm vị trí lãnh đạo vẫn là Nhà nước, vẫn trì trệ và kém hiệu quả.

Trong khi đó khối doanh nghiệp Nhà nước chiếm 28% GDP, nếu tính cả hệ thống ngân hàng thương mại thì tới 34% và nếu gộp cả các doanh nghiệp quốc phòng thì con số còn lớn hơn. Khối nhà nước chiếm tỷ lệ lớn như vậy nhưng lại làm ăn ít hiệu quả, rõ ràng điều đó ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nền kinh tế còn một nút thắt rất lớn đó là khối nợ xấu của nền kinh tế đang rất lớn. Nợ xấu đang được đẩy vào VAMC, nhưng đơn vị này thực chất chỉ là nơi chứa, nợ xấu không hề được bán ra. Chưa kể các ngân hàng làm ăn yếu kém, nếu tuân theo đúng quy luật thị trường phải để cho các ngân hàng đó phá sản. Trong khi đó, ở Việt Nam, Nhà nước lại "ôm" khoản nợ, mua vào với giá 0 đồng.

Theo tôi, cả 3 chương trình tái cơ cấu ấy vẫn chưa thực chất. Tái cơ cấu là làm lại nhưng nếu tư duy vẫn như cũ thì rất khó.

Trong khi đó, chúng ta hội nhập quốc tế rất sâu rộng, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Khi hàng rào thuế quan về 0% sẽ đặt Việt Nam đối diện với cạnh tranh toàn cầu rất lớn. Chính phủ có thể chế tốt, đổi mới thì doanh nghiệp được nhờ. Doanh nghiệp mà yếu kém, không đủ bản lĩnh thì chúng ta sẽ thua thiệt.

Vậy theo ông Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực?

- Nhìn vào thực tế, từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức có hiệu lực thì Việt Nam nhập siêu ngày càng tăng từ khu vực này. Nhập siêu chủ yếu từ các nước Thái Lan, Malasyia, Singapore, Indonesia. Sắp tới việc nhập siêu được dự báo sẽ còn tăng mạnh nữa.

Hàng rào thuế quan về 0%, các nước hầu hết đều dùng hàng rào tỷ giá để chặn lại. Khi đó, hàng nhập khẩu sẽ đắt lên, giảm khả năng cạnh tranh với hàng nội địa. Tuy nhiên Việt Nam vẫn giữa giá tiền đồng như hiện nay, hàng hóa các nước sẽ tiếp tục tràn vào thị trường Việt Nam.

Theo nhận định của tôi, Việt Nam vươn lên nhóm đầu ASEAN là mục tiêu khá khó. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong nhóm các nước ASEAN nhưng tăng trưởng của chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào FDI, còn nội lực thì... chưa chắc.

Chưa kể, về mặt năng suất lao động, Việt Nam đang tụt hậu so với các nước Thái Lan, Trung Quốc. Có thể lấy ví dụ, năm 2016, Việt Nam tụt 7 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cũng một số chỉ số khác cũng đang tụt lại.

Tồn tại thì khá nhiều, vậy còn lợi thế, chúng ta có những lợi thế gì so với các nước trong khu vực thưa ông?

Thực ra Việt Nam có rất nhiều có lợi thế. Việt Nam có một lợi thế rất quan trọng mà nhiều nước không có đó là tình hình chính trị ổn định mà không nhiều nước có được điều này.

Nhiều người nước ngoài nhận xét an ninh Việt Nam quá tốt. Sự an toàn ổn định cũng là điều kiện để thu hút ổn định đầu tư nước ngoài tốt.

Thế mạnh tiếp theo của Việt Nam đó là vị trí địa chính trị chiến lược. Việt Nam ở trung tâm vùng Đông Á, có bờ biển rất dài, vị trí mặt tiền nhìn ra biển. Tôi có thể kể ví dụ, một Tập đoàn Dubai đã từng tính tới việc xây khu đô thị cao cấp ở Bắc Phú Yên. Điều này gợi mở cho chúng ta một hướng đi đó là xây các biệt thự gần biển để bán cho người giàu thế giới...

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những cảng nước sâu hàng đầu thế giới như Cam Ranh, Vân Phong... Chúng ta có những vịnh rất đẹp như Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang... và nhiều địa điểm khác nữa. Tất cả tạo nên cho chúng ta lợi thế rất lớn về du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta chưa khai thác tốt những lợi thế này.

Vậy nhìn vào những nút thắt cũng như lợi thế của Việt Nam, theo ông có cách nào để chúng ta thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực?

- Như các bạn đã biết, Đại hội Đảng đã đưa ra 3 khâu đột phá để đưa Việt Nam phát triển, đó là thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Theo tôi điều quan trọng nhất cần phải làm để thu hẹp khoảng cách đó là trọng dụng nhân tài. Phải có người tài làm trong các cơ quan Nhà nước mới có được thể chế tốt, chính sách tốt. Yếu tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Tổng Bí thư cũng đã có lần nhắc đến tình trạng: Chạy chức, chạy quyền, chạy mọi thứ... Nạn “chạy” ở Việt Nam quá phổ biến. Chấm dứt tình trạng "chạy" nhân tài Việt Nam mới có đất dụng võ.

Trên thực tế, mỗi năm Việt Nam tuyên dương bao nhiêu thủ khoa đầu ra đầu vào các trường đại học. Điểm lại không mấy thủ khoa làm việc cho Nhà nước. Thủ khoa mà không được trọng dụng cũng sẽ bỏ đi.

Việt Nam chúng ta không thiếu nhân tài, tôi có thể kể rất nhiều nhân tài đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới hay các tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Họ về nước không có đất dụng võ nên phải ra nước ngoài làm việc.

Mỗi năm chúng ta tuyên dương bao nhiêu thủ khoa, cộng dồn lại có cả vài trăm người, nhưng họ đi đâu hết rồi? Điểm lại đâu có mấy cô cậu thủ khoa vào làm cho Nhà nước. Thủ khoa mà đem họ về không trọng dụng họ thì họ cũng sẽ bỏ đi thôi.

Trong khi thế giới tìm mọi cách để thu hút nhân tài, có cả một cuộc chiến thu hút nhân tài, Việt Nam lại chưa có chính sách đủ tốt, nhân tài chảy máu khá nhiều.

Liệu bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ như thế nào thưa ông? Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ có những thay đổi về chính sách đối ngoại, đầu tư sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào?

- Tôi không quá lạc quan vào tình hình kinh tế năm tới. Kinh tế thế giới có thể xấu hơn vì FED đang tiếp tục tăng lãi suất. Trong năm 2017 thêm ba đợt nữa, lãi suất có thể lên tới 2,4%. Tiền đồng Việt Nam đang ở mức cao, nếu không có sự điều chỉnh có thể ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô.

Thêm nữa, nguy cơ các dòng vốn sẽ rút khỏi Việt Nam rất dễ xảy ra. Đặc biệt, dòng vốn kiều hối không thể cao như năm trước được. Trong khi đó, các vấn đề trong nước như đã phân tích ở trên chưa giải quyết được triệt để cùng với đó khá nhiều vấn đề về thiên tai, ngập mặn...

Việt Nam cũng đang cố gắng, tuy nhiên để đổi mới toàn diện không phải dễ dàng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, Việt Nam cần khai thác tốt những lợi thế và thu hẹp khoảng cách đối với các nước.

Còn về câu hỏi ảnh hưởng của chính sách của Mỹ, tôi cho rằng phải chờ thêm trong 100 ngày đầu tiên Tổng thống của ông Donald Trump, các chính sách này thực sự đi vào thực tế mới có thể đánh giá rõ được tác động.

Về thương mại, trong tuyên bố của Tổng thống Donald Trump tuyên bố đánh thuế nhập khẩu cao từ các nước, tuy nhiên, khi Mỹ làm vậy các nước cũng sẽ có những biện pháp trả đũa.

Về đầu tư, việc FED tăng lãi suất USD cao lên thì dòng tiền sẽ đổ về Mỹ. Đầu tư nước ngoài theo đó sẽ giảm và Việt Nam cũng khả năng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng cần cẩn trọng và có những phương án ứng phó nếu nước này có thay đổi về chính sách thương mại.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thái Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.