|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Góc nhìn: Nỗi sợ dùng ngân sách xử lý nợ xấu

13:48 | 20/09/2016
Chia sẻ
Những ngày gần đây, xuất phát từ bản dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu một lần nữa lại thu hút những quan điểm trái chiều.
 2859

Đã 5 năm qua, kể từ khi có đề án xử lý nợ xấu, đề xuất sử dụng một phần ngân sách từng nhiều lần được đặt ra. Tuy nhiên, nó chưa từng được đặt ra một cách xứng đáng.

Ngân sách bị dùng gián tiếp

Điểm lại, đề xuất này mới chỉ ở mức độ mon men hoặc phảng phất trong các báo cáo, hoặc phụ lục của các dự thảo liên quan, như một sự thăm dò. Cho đến nay, với công chúng, chưa từng có một diễn đàn tầm cỡ, trọn vẹn, hay một đề án có cơ sở khoa học đúng tầm được công bố để cùng đánh giá, phân tích cho vấn đề này.

Thăm dò, vì ngay từ khi thai nghén, phảng phất ý tưởng sau đề án xử lý nợ xấu, việc sử dụng ngân sách Nhà nước đã vấp phải phản ứng, có thể nói là dữ dội, từ công chúng, cả bên lề diễn đàn Quốc hội…

Phản ứng đầu tiên vẫn là những phản biện: Sao lại dùng tiền thuế của dân để đi cứu các ngân hàng, các “ông chủ”? Phải có sự trả giá cho những sai lầm, cho những cách làm gây hậu quả là nợ xấu, phải để thị trường đào thải? Ngân sách khó khăn, tiền đâu để xử lý?

Thực ra, xét kỹ thì ngân sách vẫn đang được dùng một cách gián tiếp để xử lý nợ xấu đó thôi.

Nhiều phân tích thời gian qua cùng nhận định: lãi suất cho vay đến nay vẫn khó giảm vì kẹt nợ xấu. Nhìn ngược lại, nếu không nặng nợ xấu, lãi suất cho vay đã tiếp tục giảm được. Theo đó, các doanh nghiệp và người dân vay vốn “còn sống” hiện nay vẫn đang phải cõng một phần chi phí, qua lãi suất cho vay, để “nuôi” nợ xấu.

Nếu bớt được một phần chi phí đó, lãi suất cho vay giảm được, hoạt động sản xuất kinh doanh hẳn đã đóng góp tốt hơn nữa cho ngân sách Nhà nước.

Với các ngân hàng thương mại, nếu không nặng nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận những năm qua và hiện nay đã cao hơn, nộp thuế và đóng góp cho ngân sách tốt hơn.

Một khoản đầu tư sinh lời?

Như trên, đã 5 năm qua, phản ứng từ dư luận vẫn nguyên đó. Nhưng, với lợi ích đại cục, việc sử dụng một phần ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu cần được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, cân đong được và mất.

Thay vì mon men đưa ra trong một dự thảo hay báo cáo nào đó, các đầu mối chuyên trách hãy xây dựng đề án khoa học, đánh giá xem việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu có phải là một khoản đầu tư sẽ sinh lời hay không; hay vẫn tiếp tục để doanh nghiệp và người dân vay vốn “còn sống” góp tiền qua lãi suất cho vay cao để “nuôi” nợ xấu, để nó tiếp tục níu kéo cả nền kinh tế.

Cách đây hơn một năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đưa ra tính toán: nếu lãi suất cho vay giảm 1%/năm sẽ có tác động tổng hợp làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

Lợi ích của giảm lãi suất theo đó rất rõ ràng, có thể tham khảo bằng kết quả lượng hóa trên.

Vậy, với cơ sở khoa học, các đầu mối chuyên trách hoàn toàn có thể lượng hóa được, nếu dùng ngân sách Nhà nước giảm được 1% nợ xấu thì sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm lãi suất cho vay, qua đó để tính phần sinh lời đối với GDP.

Tương tự, cũng có thể lượng hóa được kết quả xử lý nợ xấu đó, kéo giảm lãi suất, sẽ giúp giảm được bao nhiêu chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp và người dân đang có tổng dư nợ 5.037.936 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2016). Gánh nặng lãi vay được giảm bớt này có thể giúp tăng năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập, tăng nộp thuế cho ngân sách thêm như thế nào.

Và cả phía các ngân hàng thương mại nữa, nếu được hỗ trợ xử lý nợ xấu, lợi nhuận sẽ gia tăng và nâng đóng góp cho ngân sách Nhà nước như thế nào…

Tổng thể những tính toán trên có thể được lượng hóa để xem việc sử dụng ngân sách, mức độ sử dụng, có là một khoản đầu tư sinh lời hay không, và đâu là những biến số. Nếu sinh lời lớn, có lợi ích lớn cho cả nền kinh tế, thì tại sao không? Hoặc cái giá phải trả là gì?

Nợ xấu lớn, đeo bám và níu kéo suốt nhiều năm qua, và sẽ tiếp tục nhiều năm tới nếu không có những chuyển biến, đột phá trong xử lý. Để cắt bỏ sự níu kéo này, việc nghiên cứu và đánh giá một cách xứng đáng vấn đề trên, độc lập với quyết định sử dụng ngân sách hay không, cũng là việc nên làm.

Ít nhất, nếu có một đề án đánh giá tổng thể, phân tích chắc chắn về cơ sở khoa học việc sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, thì sẽ rộng đường dư luận hơn là sự mon men đề xuất và nỗi sợ nào đó đối với áp lực dư luận.

Và nếu nó thực sự là một khoản đầu tư sinh lời, thì có lẽ không hẳn cả thế giới đều quay lưng.

Theo Minh Đức

VnEconomy