Góc nhìn chuyên gia: Thanh khoản cải thiện giúp thị trường chứng khoán có thể tăng thêm một nhịp trước khi bước vào giai đoạn phân hóa
Thị trường chứng khoán thời gian qua xuất hiện những phiên giao dịch tích cực với thanh khoản luôn ở mức cao, gần gấp đôi so với giai đoạn giảm điểm trước đây. Sau khi ngân hàng hạ lãi suất lần thứ 4 liên tiếp cùng với những chính sách hỗ trợ khác đã giúp thúc đẩy nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán nhiều hơn.
Tuy nhiên hiện giao dịch toàn thị trường đang chiếm phần lớn là các nhà đầu tư cá nhân trong nước, còn các nhà đầu tư nước ngoài lại đang bán ròng. Theo các chuyên gia, việc Fed mới chỉ dừng tăng, song chưa quay đầu giảm lãi suất đã khiến dòng tiền ngoại thu hẹp trên thị trường.
Bên cạnh vấn đề về lãi suất, giới chuyên môn cũng nhận định khi các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản trở nên tích cực hơn thì khi đó dòng tiền ngoại sẽ gia tăng, góp phần thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Tại Talkshow “Phố Tài chính”, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank cho biết thị trường Việt Nam có mức sinh lời tính theo VN-Index đạt gần 11%, tốt nhất trong khu vực ASEAN.
“Yếu tố lãi suất giảm giúp cho thanh khoản duy trì ở mức 700 – 800 triệu USD/ngày như hiện nay là hoàn toàn khả thi. Điều này có thể giúp cho thị trường có thể tăng trưởng thêm một chặng nữa, chúng tôi kỳ vọng khoảng 7%. Sau đó thị trường sẽ tập trung đánh giá tốc độ phục hồi của kinh tế, sẽ có nhiều biến số hơn, sẽ không dễ như câu chuyện dự phóng xu hướng lãi suất”, ông Thành chia sẻ.
Nhìn vào cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ra thấy được một đặc điểm nổi bật là các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ trọng rất lớn, đạt hơn 85% trong tổng giao dịch hằng ngày. So với các nước ASEAN đây là một tỷ lệ rất cao, trung bình các nước ASEAN, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chỉ ở mức 30 – 40%.
Đặc điểm của dòng tiền cá nhân là họ thường sẽ theo đuổi trường phái phân tích kỹ thuật hay yếu tố tâm lý, các câu chuyện ngắn hạn. Điều này cũng lý giải nguyên nhân thời gian qua những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá tốt hơn các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong khi đó thì dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức đặc biệt là dòng tiền từ tổ chức nước ngoài vẫn chưa quay trở lại một cách rõ ràng. Chỉ khi chúng ta bước vào trạng thái kinh tế phục hồi rõ ràng hơn và các vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam như thị trường vốn, trái phiếu, bất động sản được khắc phục thì dòng vốn đó mới quay lại rõ ràng hơn đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
“Càng về cuối năm, khi các triển vọng về phục hồi kinh tế trở thành hiện thực, những công ty lớn chứng tỏ được nội lực trong việc đi qua cơn bão và duy trì tăng trưởng lợi nhuận, phục hồi tốt hơn thì chúng tôi cho rằng lúc đó dòng tiền sẽ dần quay trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn”, ông Thành nhấn mạnh.
Bàn về dư địa để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank cho biết lãi suất huy động đã giảm nhanh hơn nhưng lãi suất cho vay vẫn đang bị kẹt bởi nguồn vốn huy động lãi suất cao ở giai đoạn 3 – 4 tháng trước vẫn còn ảnh hưởng đến chi phí vốn của ngân hàng.
“Chúng ta sẽ mất khoảng 3 – 4 tháng để có thể nhìn thấy tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay và chúng tôi tính toán để lãi suất cho vay trở lại mức bình thường, ổn định cho nền kinh tế thì sẽ phải giảm đâu đó khoảng 1,5% so với mức hiện tại. Như vậy lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm ít nhất là 0,5% nữa trong khoảng thời gian 3 tháng tới”.