|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Sớm nhất năm 2025 chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, thị trường sẽ đầu cơ rất mạnh giai đoạn trước đó

06:54 | 28/01/2022
Chia sẻ
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research cho biết ít phải đến năm 2025 Việt Nam mới có thể chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi, chủ yếu do những sự điều chỉnh đang diễn ra một cách chậm chạp, chẳng hạn như cơ chế thanh toán bù trừ, hệ thống KRX...

Mất tới ít nhất 3 năm Việt Nam mới được nâng hạng

Dự kiến tháng 3 sắp tới, hai tổ chức xếp hạng thị trường uy tín nhất là FTSE và MSCI sẽ đánh giá giữa kỳ (Interim Review) cho việc thay đổi xếp hạng. Việt Nam là một trong những nước tiềm năng đang được cân nhắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn nước ngoài. 

Tuy nhiên, quá trình nâng hạng đòi hỏi nhiều yếu tố mà Việt Nam chưa thể đáp ứng ví dụ như cơ chế thanh toán bù trừ, hệ thống KRX (hiện HOSE vẫn đang dùng hệ thống dự phòng của FPT), giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài...

Nhận định về vấn đề này, trong chương trình Bí mật đồng tiền số thứ 6 phát sóng trưa ngày 26/1, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chứng khoán SSI Phạm Lưu Hưng cho biết ít phải đến năm 2025 Việt Nam mới có thể chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi, chủ yếu do những sự điều chỉnh đang diễn ra một cách chậm chạp trong vài năm trở lại đây.

Lý giải cho mốc 2025, ông Hưng cho biết sớm nhất đến năm 2023, Việt Nam mới được vào danh sách chờ (watchlist) khi hệ thống giao dịch mới KRX đi vào hoạt động. Năm tiếp theo, thị trường Việt Nam mới được nâng hạng và đến năm 2025 mới chính thức được đưa vào các rổ chỉ số. Ông Hưng đánh giá đây là lộ trình nhanh nhất có thể.

Đánh giá về cơ hội khi được nâng hạng, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu Khách hàng cá nhân Chứng khoán MB cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng lên vị thế mới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ như giai đoạn 2007 – 2008, con sóng WTO giúp các chỉ số thị trường tăng 3 lần. 

Do đó, trong 2 – 3 năm tới sẽ có dòng vốn chủ động và bị động quay lại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn như một số thị trường như Kuwait hay Quatar sau khi được nâng hạng, các chỉ số tăng thấp nhất là 50%. 

Ngoài ra, Việt Nam đã gia nhập các hiệp định EVFTA và cam kết mở cửa thị trường tài chính nên khi được nâng hạng, vị thế của Việt Nam sẽ lên mặt bằng mới.

Tuy nhiên, việc nâng hạng cũng có thể trở thành thách thức đối với Việt Nam. Chuyên gia MBS nhận định 2 năm trước khi chính thức được vào rổ MSCI, thị trường đầu cơ rất mạnh theo thông tin này và sau đó có khả năng điều chỉnh sâu. 

Bên cạnh đó, khi được hỏi về vấn đề giao dịch trong ngày (T+0), ông Phạm Lưu Hưng khẳng định khi hệ thống KRX đưa vào hoạt động, các công ty chứng khoán chỉ mất nhiều nhất một quý để áp dụng cơ chế này. 

Với kỳ vọng dòng vốn lớn từ NĐT nước ngoài sẽ đổ vào thị trường sau nâng hạng, ông Hưng có quan điểm rằng nhóm này đã giải ngân vốn từ giai đoạn trước đó, các quỹ mới nổi vẫn có thể đầu tư vào Việt Nam với tỷ trọng nhỏ, khoảng 5%. Tuy nhiên, quá trình nâng hạng diễn ra tương đối lâu khiến họ đã rút vốn ở một số thời điểm.

Ông Hưng cũng đánh giá tỷ trọng của thị trường Việt Nam phải trên 1% mới đủ lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với tỷ trọng đủ lớn thì số vốn ngoại chảy vào thị trường khá đáng kể. 

Việt Nam vững chân trước yếu tố lạm phát 

Bên cạnh chủ đề nâng hạng, câu chuyện về tác động của lạm phát đến kênh đầu tư chứng khoán thời điểm này cũng rất được quan tâm.

Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng lạm phát là yếu tố cần lo lắng bởi thị trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang bị ảnh hưởng kép bởi cầu kéo và phí đẩy. Trong bối cảnh lãi suất đang nới lỏng, lạm phát gây áp lực lớn cho các ngân hàng trung ương, nếu không kiểm soát kịp sẽ gây ra suy thoái.

Có quan điểm trái chiều, ông Phạm Lưu Hưng lại cho rằng so với nền thấp khoảng 2%, lạm phát chắc chắn sẽ tăng trong năm nay, tuy nhiên sẽ không có khả năng mức tăng hai con số hoặc phi mã. 

Trái ngược với thị toàn cầu, lạm phát vấn đề lương thực thực phẩm không phải là vấn đề quá lớn đối với Việt Nam vì nước ra là nước sản xuất nông nghiệp và có thể điều chỉnh giá thực phẩm.

Bảo Ngọc