|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Khối ngoại bán ròng gần 1.900 tỉ đồng nửa đầu tháng 8, 'cá mập' gửi đi thông điệp gì đến TTCK Việt Nam?

16:44 | 15/08/2019
Chia sẻ
Thống kê giao dịch khối ngoại trong thời gian từ ngày 1 – 14/8, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.861 tỉ đồng trên toàn thị trường. Động thái bán ròng mạnh của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh TTCK toàn cầu có nhiều biến động sau động thái Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Khối ngoại 'xả' hơn 1.800 tỉ đồng trên HOSE, tập trung VJC

Sau tháng 7 mua ròng tích cực, khối ngoại trở lại bán ròng mạnh trong tháng nửa đầu tháng 8. Tính riêng trên sàn HOSE, khối ngoại liên tiếp bán ròng tất cả 12 phiên từ đầu tháng 8. Ngoại trừ phiên ngày 1/8 và 12/8, các phiên còn lại đều ghi nhận giá trị bán ròng trên trăm tỉ đồng. 

Theo đó, tổng giá trị bán ròng trên HOSE là 1.819 tỉ đồng với khối lượng 68,2 triệu đơn vị.

HOSE

Thống kê giao dịch của khối ngoại trên HOSE tuần 1 - 14/8. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Ở chiều bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt 'xả' cổ phiếu VJC của Hàng không Vietjet  344 tỉ đồng chỉ trong hai tuần. Theo sau đó, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 cũng ghi nhận giá trị bán ròng 148 tỉ đồng. Cùng chiều bán ròng, khối ngoại 'xả' GAS (72,5 tỉ đồng), STB (59,6 tỉ đồng). Cổ phiếu của Chứng khoán SSI và Tập đoàn Hòa Phát lần lượt ghi nhận mức bán ròng 56 tỉ đồng và 51,3 tỉ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất còn có POW với giá trị 49,2 tỉ đồng, VPI (44,6 tỉ đồng), DXG (35,1 tỉ đồng) và VCB (34,7 tỉ đồng).

Cùng thuộc ngành ngân hàng, trái với cổ phiếu Vietcombank và Sacombank, mã HDB ghi nhận giá trị mua ròng cao nhất thị trường (51,1 tỉ đồng). Khối ngoại 'gom' VIC (39,5 tỉ đồng), PLX (34,45 tỉ đồng), GEX (19,3 tỉ đồng).

Những mã trong Top10 có giá trị mua ròng trên 10 tỉ đồng còn có PVD, BID, AST và PTB. Ngoài ra, khối ngoại mua ròng SAB và VCI.

Sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng 78 tỉ đồng

Tương tự HOSE, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trên sàn HNX với giá trị 77,8 tỉ đồng và khối lượng 2,1 triệu đơn vị. Trong 12 phiên đầu tháng, khối ngoại chỉ mua ròng duy nhất hai phiên 7/8 và 2/8.

HNX

Thống kê giao dịch của khối ngoại trên HNX tuần 1 - 14/8. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Ngoài cổ phiếu VCS có giá trị bán ròng cao nhất (28,5 tỉ đồng), khối ngoại còn bán ròng cổ phiếu Ngân hàng Á Châu ACB (15,5 tỉ đồng), TNG (7,3 tỉ đồng), VCG (4 tỉ đồng). Hai mã HMH và BVS có giá trị bán ròng thấp hơn, lần lượt đạt 1,4 tỉ đồng và 1,1 tỉ đồng. Lọt top bán ròng còn có IDJ, ITQ, SHS và LIG.

Diễn biến trái chiều, nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua ròng PVS (6,3 tỉ đồng). Cổ phiếu DGC được mua ròng 4,6 tỉ đồng, HUT (2,7 tỉ đồng), PVI (1,9 tỉ đồng) và SHB (1,4 tỉ đồng). Cùng chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại còn có các mã VMC, SLS, IVS, BAX và TIG.

Khối ngoại tích cực mua ròng trên thị trường UPCoM, chủ yếu 'gom VEA và QNS

Đáng chú ý, duy nhất trên UPCoM, khối ngoại tích cực mua ròng tại đa số các phiên từ đầu tháng 8, giá trị cụ thể đạt 36,3 tỉ đồng với khối lượng 2,4 triệu cổ phiếu.

UPCOM

Thống kê giao dịch của khối ngoại trên UPCoM tuần 1 - 14/8. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Bất chấp thông tin tiêu cực từ việc cựu Chủ tịch VEAM cùng các thuộc cấp bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) bắt tạm giam và khởi tố đầu tháng 8 vừa qua, cổ phiếu VEA vẫn thu hút dòng vốn ngoại, đứng đầu các mã được mua ròng tại UPCoM (18,3 tỉ đồng).

Mặt khác, khối ngoại mua ròng QNS (14,2 tỉ đồng), GEG (8,4 tỉ đồng), VTP (2,9 tỉ đồng). Dòng tiền đầu tư nước ngoài cũng tìm đến OIL (2,6 tỉ đồng), NTC (2,3 tỉ đồng) và VGG (2,2 tỉ đồng). Ngoài ra, cổ phiếu BOT, MCH và LPB đều có được mua ròng trong thời gian đầu tháng vừa qua.

Ngược lại, dẫn đầu phía bán ròng là ACV với giá trị 21,9 tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn tại các mã BCM (7 tỉ đồng), SAS (6,6 tỉ đồng), VGI (5,9 tỉ đồng). Mã bị khối ngoại bán ròng còn có CTR (3,9 tỉ đồng và BSR (2,7 tỉ đồng), ngoài ra là SGP, SNZ, VEC, WSB.

Với diễn biến bán ròng mạnh mẽ trong nửa đầu tháng 8,  chúng tôi có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Biên An Toàn, Giám đốc Kinh doanh Chứng khoán VNDirect.

PV: Khối ngoại đã có chuỗi 11 phiên bán ròng liên tiếp trên TTCK Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về động thái này?

HMT

Ông Huỳnh Minh Tuấn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Có thể nói nguyên nhân của đà bán ròng này bắt nguồn từ việc Tổng thống Mỹ - Donald Trump đẩy vấn đề chiến tranh thương mại leo thang khi tuyên bố đánh thuế toàn bộ 300 tỉ USD hàng hoá từ Trung Quốc trong đầu tháng 9 sắp tới.

Việc chiến tranh thương mại leo thang sẽ tăng khả năng suy thoái toàn cầu và tăng rủi ro cho thị trường chứng khoán là điều dễ thấy. Những động thái này kích hoạt các hoạt động cơ cấu lại danh mục của hàng loạt quỹ đầu tư trong đó trọng yếu nhất vẫn là các quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số và ETF.

Thống kê cho thấy lượng bán ròng 11 phiên qua hầu hết tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn và CCQ E1VFVN30 của ETF nội. Đây là loại quỹ nhạy cảm nhất với biến động vĩ mô nên việc cashout (PV – rút ròng) của họ cũng không có gì là ngạc nhiên. 

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, nếu chúng ta nhớ lại đỉnh điểm của đợt rút ròng vào đầu quí II/2018 năm ngoái.

PV: Động thái bán ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những biến động mạnh, đặc biệt là dự báo về cuộc chiến tiền tệ, ông có cho rằng các tổ chức lớn đang có động thái rút ròng hay đây chỉ là giao dịch ngắn hạn?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Như đã đề cập ở trên, chúng ta cần phân biệt mô hình hoạt động các loại quỹ và từ đó nhận diện được chiến lược đầu tư của họ và sẽ có nhận định chính xác với dòng tiền mà họ đang quản lý.

Nếu như nhóm ETF và tracking index (mô phỏng chỉ số) là nhóm quỹ nhạy với tình hình vĩ mô, với trạng thái toàn cầu như thế này thì họ có xu hướng rút ròng là điều dễ thấy. Nhóm này khi họ rút ròng thì sẽ quy đổi ra USD để thanh toán cho cổ đông tại nước sở tại phát hành của họ từ đó cũng ảnh hưởng tới dòng bơm/rút ròng USD vào Việt Nam. 

Tuy nhiên, quy mô hiện tại, theo thống kê chủ quan của tôi vào khoảng trên dưới 100 triệu USD cho đợt này là một con số bé và không có gì đáng lo ngại.

Nhóm quỹ này cũng chỉ là những giao dịch mang tính ngắn hạn vì nếu trong giả định các vấn đề mà họ (cổ đông của quỹ) quan ngại được hạ nhiệt họ lại tái giải ngân.  

Còn lại nhóm hedge fund (quỹ đầu cơ), nhóm private fund (quỹ tư nhân) thì tôi vẫn nhìn thấy động thái mua ròng của họ ở những nhóm ngành mà họ đánh giá là tiềm năng và mang tính phòng thủ khá tốt như nhóm tiêu dùng, nhóm tiện ích và trái phiếu và các deal đặc biệt ở dạng đối tác chiến lược như BIDV vừa rồi với HanaBank từ Hàn Quốc. 

Hoàng Linh

Cơn sốt sau bầu cử hạ nhiệt: Dow Jones mất hơn 380 điểm, S&P 500 đứt chuỗi tăng 5 phiên
Cả ba chỉ số chính đều rời khỏi đỉnh lịch sử sau khi động lực tăng giá hậu bầu cử dần biến mất. Hiện thị trường đang chuyển sự chú ý sang loạt dữ liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố.