|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Khi NĐT lo ngại quá đà và thực tế không như vậy sẽ tạo ra những cú hồi rất mạnh

09:42 | 09/10/2022
Chia sẻ
Theo quan điểm của chuyên gua nếu nhìn theo định giá cơ bản hay theo kỹ thuật, thị trường đang vào vùng quá bán rất mạnh, từ đó tạo ra kỳ vọng cho những cú hồi phục.

 BTV Tài Phan và Giám đốc Dịch vụ Đầu tư & Quản lý Tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình). 

Trong bối cảnh thị trường đang khá ảm đạm nhưng vẫn xuất hiện một bộ phận nhà đầu tư cá nhân có xu hướng mua ròng trong một vài phiên trở lại đây.

Thị trường Việt Nam lâu nay, khách hàng cá nhân vẫn chiếm đa số giá trị giao dịch. Xét về khía cạnh dòng tiền, trong một thị trường đi lên thì khách hàng cá nhân tham gia sẽ tốt hơn bởi nhóm này thường sử dụng margin tương đối nhiều giúp tâm lý thúc đẩy đầu cơ sẽ tăng tốt cho thị trường và cổ phiếu. Còn trong bối cảnh thị trường như hiện tại, những nhà đầu tư sử dụng margin sẽ có áp lực trong ngắn hạn nhất là khi giao dịch T+2 đã được áp dụng.

Đối với dòng tiền của các tổ chức, họ thường mua vào để đầu tư và sử dụng tiền mặt nên không sử dụng vay nợ kết hợp với tâm lý tích trữ lâu dài thì lượng hàng trôi nổi sẽ bớt đi, đồng thời dòng tiền sẽ vững vàng hơn.

Chia sẻ trong chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư & Quản lý Tài sản đồng thời là Giám đốc Chi nhánh Thăng Long của CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho rằng quan sát trong quá khứ, hầu hết khi đáy được tạo lập thì các hoạt động mua của tổ chức sẽ giúp những vùng đáy bền vững hơn.

Khi một số cổ phiếu mang tính dẫn dắt nhất là những cổ phiếu sở hữu vốn hoá lớn, thanh khoản tốt tạo đáy, tâm lý của nhà đầu tư cũng như độ lan toả đến các cổ phiếu khác sẽ tích cực hơn.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư & Quản lý Tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt. (Ảnh chụp màn hình). 

Ông Du cho biết quan sát trong hai tuần trở lại đây, các cổ phiếu bluechip đang giảm tương đối mạnh đã phản ánh tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư tổ chức, đồng thời cho thấy vẫn chưa xuất hiện sự đồng thuận của thị trường bởi một thị trường vững vàng phải là nơi các tổ chức là người đổ nền cho thị trường tạo thành vùng đáy vững còn khách hàng cá nhân là bộ phận giúp cổ phiếu tăng trưởng tốt hơn.

Giải thích cho sự giảm điểm của thị trường, chuyên gia cho rằng lý do lớn nhất là do tâm lý của nhà đầu tư đang lo ngại quá đà. Trong bối cảnh tần suất những thông tin tiêu cực đã giảm đáng kể như câu chuyện Dollar-index đã giảm điểm, dầu cũng hạ giá, trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đã hạ nhiệt, các thị trường chứng khoán như Mỹ hay châu Âu đã và đang có dấu hiệu hồi phục.

Tuy vậy, thị trường Việt Nam hiện phản ứng tương đối chậm, chờ đợi tâm lý vững vàng trên thế giới thì dòng tiền mới nhập cuộc. Ông Du cho rằng thị trường thế giới phản ứng tích cực thì song song thị trường chứng khoán trong nước sẽ tăng trưởng trở lại.

Chia sẻ về cách nhà đầu tư có thể bắt đáy với xác suất đúng cao nhất, ông Du cho rằng điều đầu tiên nhà đầu tư cần đợi các cổ phiếu mạnh tạo đáy trước.

Sau đó, khi mặt bằng thị trường chung thường phải có từ 2 đến 3 phiên tăng kèm theo khối lượng cải thiện. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, ông Du cho rằng nhà đầu tư nên đợi số đông thị trường mua cổ phiếu về có lãi 5-7%, cùng với khối lượng chốt lãi ở mức vừa phải chính là thời điểm tốt nhất vì khi đó vùng đáy đã khá vững.

Theo quan điểm của ông Du, hiện tại nếu nhìn theo định giá cơ bản hay theo kỹ thuật, thị trường đang vào vùng quá bán rất mạnh, từ đó tạo ra kỳ vọng cho những cú hồi phục.

"Nếu như trong tương lai, những thay đổi trên bớt u ám đi, tôi nghĩ là triển vọng hồi phục sẽ mở ra rất mạnh. Khi chúng ta lo ngại quá đà và thực tế không xấu như những gì đã lo ngại sẽ tạo ra những cú hồi rất mạnh”, chuyên gia TVSI nhấn mạnh.

Linh Chi

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.