|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phần hóa giúp Sở Giao dịch chứng khoán có năng lực quản trị tầm khu vực

21:00 | 09/04/2021
Chia sẻ
Nhiều ý kiến cho rằng, Sở Giao dịch chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là cần thiết để cơ quan này có thể vận hành thị trường trơn tru, hiệu quả hơn.

Câu chuyện mô hình quản trị và sở hữu của sở giao dịch chứng khoán hiện đang được các chuyên gia bàn luận sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng, Sở Giao dịch chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là cần thiết để cơ quan này có thể vận hành thị trường trơn tru, hiệu quả hơn.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Sở Giao dịch chứng khoán hoạt động theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên 100% vốn nhà nước nếu được chuyển sang mô hình của công ty cổ phần sẽ giúp cho hoạt động thông thoáng hơn và năng động hơn.

“Tôi nghĩ đây là chuyện hết sức bình thường, các nước cũng cũng làm như vậy. Theo mô hình công ty cổ phần, các cổ đông ở đây chính là các công ty chứng khoán, các sàn chứng khoán và một số trung gian khác”, ông Lực nói.

Chúng ta biết rằng, công ty cổ phần đã hình thành và phát triển ở Việt Nam rất nhiều thì cũng không có lý do gì để sàn chứng khoán Việt Nam khó khăn trở thành công ty cổ phần.

Nếu trở thành công ty cổ phần sẽ giúp cho việc công khai minh bạch hơn trong hoạt động của sở giao dịch chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán cũng sẽ tổ chức niêm yết trên sàn chứng khoán và có khả năng huy động một số nguồn vốn để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển; trong đó, có đầu tư phát triển về công nghệ, con người...

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phần hóa giúp Sở Giao dịch chứng khoán có năng lực quản trị tầm khu vực - Ảnh 1.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, hiện nay các sàn giao dịch chứng khoán ở trên thế giới, cũng như là các công ty lưu ký ở các thị trường chứng khoán phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, hoặc những quốc gia phát triển hơn Việt Nam về thị trường chứng khoán là công ty cổ phần.

Các công ty cổ phần này trở thành công ty đại chúng khác nhau và nhiều doanh nghiệp cũng niêm yết trên sàn. Vì vậy, đây là mô hình tương đối phát triển. Chẳng hạn, nếu là doanh nghiệp cổ phần thì sẽ minh bạch trong quản trị cũng như điều hành.

Bên cạnh đó, bởi doanh nghiệp cổ phần vận hành theo cơ chế thị trường, nên các doanh nghiệp này có thể huy động được những nguồn lực chất lượng cao để vào điều hành cũng như hướng dẫn, quản lý thị trường tốt hơn.

“Thay vì quản lý các công ty theo hình thức TNHH 100% vốn nhà nước thì nên chăng chúng ta sẽ chuyển thành rất nhiều công ty cổ phần; trong đó, nhà nước cũng là chủ sở hữu của các doanh nghiệp này”, ông Hà nêu quan điểm.

Những sự kiện vừa qua ví dụ như là nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán, đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi nhà đầu tư. Hiện nay, các sàn đó thuộc doanh nghiệp của nhà nước thì đôi khi dù là doanh nghiệp nhưng được điều hành theo cơ chế hành chính sẽ tương đối cản trở đến hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu thực sự hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp thì sẽ linh hoạt hơn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề của thị trường phát sinh.

Đơn cử như là tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HOSE vừa qua nếu là doanh nghiệp bình thường, người quản trị doanh nghiệp có thể nhận ra vấn đề trước đó từ 1 - 2 năm. Qua đó, họ có thể tổ chức đấu thầu để tìm được một đơn vị cung cấp hệ thống lõi giao dịch và tránh được tình trạng nghẽn mạng.

“Tôi nghĩ là trong điều kiện Việt Nam hiện nay nếu cổ phần hóa sở giao dịch chứng khoán sẽ có thuận lợi tương đối, đó là các cơ quan quản lý như là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có tập hợp nhiều chuyên gia tương đối thấu hiểu được những hạn chế của mô hình cũ. Họ cũng đã học tập được kinh nghiệm về quản trị của những sở giao dịch chứng khoán của các quốc gia tổ chức theo mô hình cổ phần”, ông Hà nói.

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phần hóa giúp Sở Giao dịch chứng khoán có năng lực quản trị tầm khu vực - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Tuy nhiên, rủi ro và khó khăn nhất của chuyển sang mô hình này đó là chúng ta thiếu quy định của pháp luật về mô hình này. Hiện vẫn có nhận thức khác nhau giữa những cơ quan quản lý nhà nước để tạo sự đồng thuận về chuyển đổi sở giao dịch chứng khoán sang mô hình công ty cổ phần.

Còn khó khăn tương đối là chúng ta chưa có kinh nghiệm vận hành thị trường này và các cơ quan chức năng cũng chưa có nhận thức đồng bộ về việc là có nên chuyển từ công ty 100% vốn nhà nước sang mô hình công ty cổ phần với sự tham gia của nhiều bên cổ đông.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để điều hành được mô hình này. Dù vậy ông Hà cho rằng, có thể thuê Giám đốc điều hành (CEO) là người nước ngoài hoặc ban điều hành nước ngoài đã có kinh nghiệm vận hành sở giao dịch chứng khoán dưới mô hình công ty cổ phần.

Tại buổi tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững” diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề xuất cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán và trước mắt chỉ cổ phần hóa 2%, để thay đổi mô hình quản trị. Từ đó, vấn đề công nghệ trên thị trường chứng khoán sẽ được xử lý nhanh, hiệu quả hơn.

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phần hóa giúp Sở Giao dịch chứng khoán có năng lực quản trị tầm khu vực - Ảnh 3.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: BNEW/TTXVN

Trong văn bản Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VAFI cũng cho biết, hệ thống giao dịch HOSE thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh chứng khoán, có thời điểm nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung cầu trong giao dịch chứng khoán hoặc không thể mua, bán chứng khoán… Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

VAFI cho rằng, điều này thể hiện năng lực quản trị điều hành chưa đáp ứng được yêu cầu. VAFI đưa ra đề xuất nhanh chóng cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực.

Sở Giao dịch và Trung tâm lưu ký sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập, thực sự tách rời Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán, chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo VAFI, Luật Chứng khoán mới đã cho phép cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán. VAFI hy vọng, Bộ Tài chính sẽ sớm thực hiện việc này để thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự được nâng hạng.

Văn Giáp