Gỡ nút thắt giải ngân đầu tư công từ góc nhìn kiểm toán
Tốc độ giải ngân có cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68% (đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, tỉ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 52,33% kế hoạch giao; tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 28,37% kế hoạch giao.
Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ nhìn nhận, thời gian gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam còn có những hạn chế. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới các yếu tố cấu thành tăng trưởng GDP như tiêu dùng, đầu tư tư nhân, xuất khẩu ròng, đầu tư công đang được xác định là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Qua thực tiễn kiểm toán cho thấy, những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: Thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách nhà nước cũng như các pháp luật chuyên ngành; pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư; quy trình, trình tự, thủ tục còn chồng chéo, phức tạp, công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập, các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh, năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu...
Phân tích thêm, ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành IV (KTNN) cho biết, các nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn một số tồn tại, bất cập, chưa phù hợp với thực tế nên phải điều chỉnh làm kéo dài thời gian thực hiện.
Việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch... Giao kế hoạch vốn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên.
Nâng cao hiệu quả phối hợp, thực thi chính sách
Bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất trong thời gian tới cần điều chỉnh ngay các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư công, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, rút vốn nhà tài trợ... trong việc triển khai dự án để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho phát triển đất nước.
Chỉ còn khoảng gần 3 tháng nữa là Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực, do đó, để Luật đi vào cuộc sống, giải quyết ngay được những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu của các dự án đầu tư công, các văn bản hướng dẫn những nội dung giao Chính phủ quy định tại Luật cần được ban hành kịp thời, chất lượng...
"Các khâu phân bổ vốn đầu tư công, giao vốn đầu tư công... phải làm sớm từ đầu, cần xác định rõ trách nhiệm chủ đầu tư khi được giao quản lý dự án đầu tư, định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng rà soát, dự án nào không giải ngân đúng tiến độ, triển khai chậm, chúng tôi sẵn sàng sàng cắt chuyển dự án khác có tiến độ tốt hơn",đại diện địa phương có mức giải ngân khá cao (khoảng 74%), ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ một số kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Khắc Thận cho biết, cơ quan quản lý, chủ đầu tư có trình độ chuyên môn tốt, cán bộ quản lý dự án am hiểu pháp luật, thì công tác đầu tư công triển khai sẽ thuận lợi. Muốn làm nhanh trước hết phải làm đúng.
Điểm quan trọng then chốt quyết định là công tác giải phóng mặt bằng. Dự án được triển khai bài bản, đúng quy định, nhưng đến khâu giải phóng mặt bằng chậm, không làm tốt thì tiến độ dự án sẽ bị chậm lại.
Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sác công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, giải pháp cho giải ngân đầu tư công phải từ trên xuống dưới, đó là các thông điệp, "sức nóng" của người lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nhưng cũng phải làm tốt từ dưới lên, đặc biệt cần có sự ủng hộ của người dân, bên cạnh đó có các chủ đầu tư có năng lực.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ khẳng định, chưa khi nào vốn ngân sách đầu tư công lớn như hiện nay, trong bối cảnh năng lực quản lý, hấp thụ vốn của các bộ, ngành địa phương có hạn chế.
Do đó, trong thời gian tới, cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, tăng cường phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý vướng mắc trong công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công triển khai minh bạch và hiệu quả.
"Những giải pháp được trao đổi tại Tọa đàm sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương nghiên cứu, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả, tạo đà thúc đẩy và phục hồi phát triển kinh tế, nhanh, bền vững", Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ kỳ vọng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/