Giới hạn tăng trưởng của ngành du lịch
Du khách nước ngoài tham quan dinh Thống Nhất. Ảnh: ĐÀO LOAN |
Không phải nói quá khi cho rằng Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn ở châu Á. Nhưng ngay giữa những tín hiệu tích cực đó, chúng ta cần chuẩn bị cho hướng phát triển mới. Tốc độ tăng trưởng nhanh của số du khách đến là đáng mừng, tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì tăng trưởng về số lượng cũng sẽ tới giới hạn. Muốn phát triển bền vững và tạo ra nhiều giá trị, ngành du lịch cần phải bứt phá khỏi mục tiêu đơn thuần là tăng lượng du khách.
Lý do đầu tiên là số lượng khách tăng không đồng nghĩa với việc chi tiêu cho du lịch tăng tương ứng. Phần đông người làm du lịch đều mong muốn đón nhận nhiều hơn du khách phương Tây, bởi đây là phân khúc hào phóng trong việc mở hầu bao và sẵn sàng chi tiêu cho các dịch vụ tương đối xa hoa. Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2017, lượng khách phương Tây (châu Mỹ, châu Âu và châu Úc) có mức độ tăng trưởng không nhiều, chỉ đạt trung bình trên dưới 10%/năm. Ngược lại, thị trường châu Á tăng trưởng tới 34%, trong đó mạnh nhất là Hàn Quốc (56%) và Trung Quốc (48%). Trong tổng số gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017, khách Trung Quốc chiếm 31%, khách Hàn Quốc chiếm 18,7%. Với khách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, lượng khách đến từ những tour du lịch giá rẻ (hay còn gọi là tour du lịch 0 đồng) là rất lớn. Điều này tạo ra nhiều hệ lụy đến chất lượng dịch vụ du lịch, quyền lợi của du khách, hình ảnh điểm đến cũng như nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Những con số ấn tượng, cho thấy vai trò quan trọng của ngành du lịch đến nền kinh tế thời gian qua là kết quả của mô hình du lịch cũ, tập trung vào tăng trưởng số lượng du khách thay vì dựa vào chất lượng. Muốn ngành du lịch “có giá trị gia tăng cao, đảm bảo tính bền vững, và tính cạnh tranh cao”, những thay đổi phải bắt đầu ngay từ hôm nay. |
Ở một số trường hợp, lượng khách gia tăng còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chủ quyền. Gần đây, có hiện tượng khách Trung Quốc “vượt mặt” hệ thống ngân hàng Việt Nam để thanh toán trực tiếp qua phần mềm hỗ trợ (Wechat Pay, Alipay) hoặc máy POS, gây thất thoát về thuế và rủi ro về thanh toán. Những lùm xùm xung quanh việc khách Trung Quốc mặc áo có “đường lưỡi bò”, hay hướng dẫn viên du lịch “chui” người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam cũng là vấn đề gây bức xúc trong dư luận.
Nói vậy không phải để chúng ta tìm giải pháp hạn chế lượng khách Trung Quốc hay bất kỳ thị trường cụ thể nào. Tuy nhiên, những lộn xộn trong ngành du lịch vừa qua phần nhiều đến từ việc số lượng du khách tăng quá nhanh, khiến năng lực quản lý không thể đáp ứng nổi. Đây rõ ràng là vấn đề lớn, bởi kinh doanh du lịch phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính của du khách. Khi bị quá tải, chất lượng dịch vụ không tốt, khách du lịch sẽ có cái nhìn tiêu cực về Việt Nam. Trong thời đại của mạng xã hội, bất kỳ sự không hài lòng nào cũng có thể là một thảm họa truyền thông: một đánh giá xấu trên TripAdvisor hay một bình luận tiêu cực có tính lan tỏa cao trên Facebook cũng có thể khiến hàng ngàn du khách suy nghĩ lại khi quyết định đến Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà sau phàn nàn của một du khách Úc về chất lượng dịch vụ tại Hạ Long, Tổng cục Du lịch đã phải viết thư xin lỗi và mời bà quay lại Việt Nam.
Chính vì thế, chúng ta không nên hướng đến việc tăng trưởng lượng du khách bằng mọi giá, mà cần đảm bảo chất lượng du lịch - trải nghiệm được tăng lên tương ứng. Tăng trưởng cơ học không phản ánh nhiều điều. Chỉ số quan trọng hơn là lượng du khách quay trở lại nước ta thì rất khiêm tốn. Có nhiều con số được đưa ra, nhưng tỷ lệ này chỉ vào khoảng từ 5-10%. Trong khi đó, số du khách mong muốn quay lại Thái Lan lên đến 50%.
Nhiều lần tôi tự hỏi: trải nghiệm du lịch ở Việt Nam tệ hại đến mức như vậy sao? Một đất nước tự coi là “rừng vàng biển bạc”, danh lam thắng cảnh có khắp nơi từ rừng xuống biển, văn hóa đa dạng với 54 dân tộc, người dân hiền lành dễ mến, mà vì sao không mấy du khách muốn quay lại? Nhưng sau khi nói chuyện với nhiều du khách, và cả những người bạn quốc tế của mình, tôi thấy con số thấp như trên là có lý do. Trên thực tế, các du khách, đặc biệt là khách phương Tây, không quay lại bởi họ chỉ coi Việt Nam là điểm đến “khám phá” chứ không phải để nghỉ dưỡng. Khi đã khám phá xong, gạch tên Việt Nam khỏi danh sách những điểm cần đến, thì họ hầu như không còn động lực để trở lại giữa vô vàn những điểm đến thú vị khác trên thế giới.
Người ta không nghĩ đến nơi nào ở Việt Nam khi muốn có một kỳ nghỉ xả hơi cuối tuần, lướt sóng, lặn biển, tham gia các hoạt động giải trí như các trung tâm nghỉ dưỡng có lượng khách quay lại đông như Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan). Những hoạt động mang tính gắn kết du khách với cộng đồng đã manh nha hình thành nhưng còn rất ít. Hoạt động chính của du khách tại Việt Nam vẫn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”: chủ yếu là ngắm cảnh và chụp ảnh.
Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch trong thời gian qua. Trong năm 2016, ngành này đã trực tiếp đóng góp tới 6,6% GDP và tạo ra gần 3 triệu việc làm (chiếm 5% tổng số việc làm cả nước). Doanh thu của các hãng lữ hành và cơ sở lưu trú Việt Nam tăng 17 lần trong giai đoạn 2010-2015, từ khoảng 4.400 tỉ đồng lên đến hơn 75.000 tỉ đồng. Đây đều là những con số hết sức ấn tượng, cho thấy vai trò quan trọng của ngành du lịch đến nền kinh tế. Nhưng những thành quả đó là kết quả của mô hình du lịch cũ, tập trung vào tăng trưởng số lượng du khách thay vì dựa vào chất lượng. Muốn ngành du lịch “có giá trị gia tăng cao, đảm bảo tính bền vững, và tính cạnh tranh cao” như mong muốn từ đề án phát triển du lịch Việt Nam định hướng năm 2030 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những thay đổi phải bắt đầu ngay từ hôm nay.