|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giới đầu tư vàng chờ đợi động thái từ Fed

23:59 | 13/09/2020
Chia sẻ
Khép lại tuần giao dịch 7-13/9, thị trường vàng trong nước và thế giới ghi nhận một tuần khá "bình yên".
Giới đầu tư vàng chờ đợi động thái từ Fed - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg).

*Giá vàng trong nước quanh quẩn dưới ngưỡng 57 triệu đồng/lượng

Ở những phiên đầu tuần, giá vàng trong nước biến động nhẹ và giao dịch trên mốc 56 triệu đồng/lượng. Đà giảm giá của kim loại quý này vẫn hạn chế giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi những động thái từ các ngân hàng trung ương.

Carsten Menke, nhà phân tích tại Julius Baer, cho biết đồng USD tăng giá đã gây sức ép cho giá vàng, song những bất ổn dài hạn vẫn hiện hữu trên thị trường đang phần nào hạn chế đà giảm của giá kim loại quý này.

Sang phiên 10/9, giá vàng trong nước có sự điều chỉnh tăng mạnh theo giá vàng thế giới và tiến về mốc 57 triệu đồng/lượng.

Trong đêm trước 10/9, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong gần một tuần giữa bối cảnh đồng USD yếu đi và những lo ngại về sự trì trệ trong phát triển vắc-xin phòng ngừa COVID-19 đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng đã dừng lại trong phiên cuối tuần (12/9) khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Chính phủ Mỹ đều không đưa ra thêm biện pháp kích thích nào. Giá vàng trong nước theo đó cũng giảm nhẹ và giao dịch dưới mốc 57 triệu đồng/lượng.

Sáng 13/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,85 - 56,57  triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào - bán ra ở mức 56,13 - 56,45  triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng đã điều chỉnh giá vàng SJC giảm nhẹ khoảng 200 nghìn đồng/lượng.

*Thị trường chờ đợi cuộc họp của Fed

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA, cho biết thị trường cuối tuần qua có một chút thất vọng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vì đa số kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương này sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde mới đây đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sẽ không mở rộng chương trình kích thích, trong khi Thượng viện Mỹ đã chặn một dự luật về gói cứu trợ kinh tế mới sau dịch COVID-19 do đảng Cộng hòa đề xuất.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được tổ chức vào hai ngày 15-16/9. Đặc biệt là giữa bối cảnh sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ đã hoàn toàn bị đình trệ, còn Quốc hội nước này đã không có thêm bất cứ gói cứu trợ nào kể từ cuộc họp gần nhất của Fed.

Chuyên gia Moya nói rằng Fed sẽ chịu rất nhiều áp lực để duy trì một lập trường thận trọng thỏa đáng tại cuộc họp tuần tới.

Việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ ở mức cao cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động tại đây đang chậm lại, qua đó càng thúc đẩy nhu cầu về vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Còn chiến lược gia thị trường cấp cao Daniel Pavilonis tại công ty tư vấn RJO Futures cho biết thế giới đang chuyển đổi sang môi trường hậu COVID-19, đồng nghĩa là các chính phủ sẽ không “bơm” ra cùng một loại hình kích thích kinh tế mãi. Điều đó cũng báo hiệu cho thị trường rằng tình hình trong tương lai sẽ có một chút khác biệt.

Cũng theo chuyên gia Pavilonis, giá vàng thậm chí có thể chạm mức 2.300 USD/ounce vào cuối năm do sự bất ổn trên thị trường chứng khoán, nền kinh tế toàn cầu và cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 11 ở Mỹ.

Ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng về thị trường tại Blue Line Futures, Chicago, Mỹ, nhận định giới đầu tư hiện vẫn đang lo ngại không rõ khi nào thị trường chứng khoán chạm đáy./.

Đỗ Huyền