Giới chuyên gia cảnh báo xu hướng lạm dụng hóa chất nông nghiệp tại Brazil
Theo tuần báo Orbe (Cuba), trong hai thập kỷ qua, Brazil tăng mạnh việc sử dụng các hóa chất nông nghiệp có hại, chủ yếu là glyphosate, kể từ khi triển khai chiến lược phát triển nông sản biến đổi gen quy mô lớn. Trong khoảng thời gian này Brazil luôn đứng trong các nước sử dụng hóa chất nông nghiệp nhiều nhất thế giới.
Tại quốc gia rộng lớn và đông dân nhất Mỹ Latinh này, việc sử dụng các sản phẩm này tăng tới 90% trong 10 năm. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng với lập trường coi nhẹ các vấn đề môi trường của chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro hiện tại.
Chỉ trong 4 tháng đầu tiên tại nhiệm, Bộ trưởng Nông nghiệp Tereza Cristina Correa đã cấp 152 giấy đăng ký cho phép sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp mới trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, mà một số trong số đó bị cộng đồng khoa học quốc tế coi là độc hại và bị cấm tại một số thị trường lớn như châu Âu và Mỹ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc sử dụng lập luận nâng cao năng suất để biện hộ cho xu hướng gia tăng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp về lâu về dài cũng sẽ làm mất các khách hàng nước ngoài, vì xu thế toàn cầu là giảm bớt các yếu tố này, nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là gây ra một quá trình “đầu độc trường kỳ” chính người nhân Brazil.
Nghị sĩ Nilto Tatto, thuộc Đảng Lao động và đại diện bang Sao Paulo, chia sẻ với Orbe: “Khoảng 70% các loại thực phẩm của chúng tôi đã bị ô nhiễm. Thật đáng tiếc là trong vòng 3 hoặc 4 thập kỷ qua, các nhà sản xuất nông nghiệp cũng không có lựa chọn, hỗ trợ kỹ thuật hay giải pháp thay thế nào cho việc sử dụng hóa chất và phân bón”.
Trong khi đó, Hiệp hội Sức khỏe tập thể Brazil ước tính trung bình mỗi người dân tại “xứ sở Samba” này “tiêu thụ” 7,3 lít hóa chất nông nghiệp mỗi năm.
Trước đây, quy trình cấp phép sử dụng cho một loại hóa chất nông nghiệp tại Brazil bao gồm đánh giá của các Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế và Bộ Môi trường, với đại diện lượt là Cơ quan Cảnh báo vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Môi trường và Viện Tài nguyên tự nhiên có thể tái tạo.
Tuy nhiên, kể từ khi Quốc hội Brazil bãi nhiệm cựu tổng thống Dilma Rousseff vào năm 2016, Bộ Y tế và Bộ Môi trường đã bị đưa ra khỏi quy trình này, còn Bộ Nông nghiệp – nơi “quản lý” quyền lợi của các tập đoàn hóa chất lớn như Bayer, Basf, Syngenta và Monsanto – đã nới lỏng các thủ tục và việc sử dụng các hóa chất độc hại có xu hướng gia tăng.
Nghị sĩ Nilto Tatto cảnh báo: “Chúng tôi phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho dân chúng. Họ cần ý thức về những hậu quả mà hóa chất nông nghiệp gây ra cho môi trường, khi đây là yếu tố gây ô nhiễm nước phổ biến thứ 2 tại Brazil. Một nghiên cứu gần đây khẳng định rằng trung bình cứ 4 dòng sông tại Brazil thì 1 dòng sông có chứa 27 loại hóa chất nông nghiệp khác nhau”.
Theo một nghiên cứu độc lập công bố vào năm ngoái, hệ thống y tế công Brazil ghi nhận đã chăm sóc cho gần 40.000 người từng phơi nhiễm với các chất độc hại trên trong giai đoạn 2007 – 2017.
Hạ nghị sĩ Joao Daniel, điều phối viên của tổ nông nghiệp của Đảng Lao động tại Hạ viện Brazil, giải thích: “Chúng tôi có 8 triệu người bị ung thư, nhưng ngành y tế Brazil hiếm khi nói rằng các vấn đề về sức khỏe này là do các hóa chất nông nghiệp gây ra. Các doanh nghiệp nhiều thế lực này không để Bộ Y tế, các chính quyền địa phương hay người dân đòi họ phải chi trả phí chữa trị cho các căn bệnh từ các loại thuốc độc mà họ kinh doanh”.
Ông Joao Daniel nhận định cuộc đấu tranh chống lại thế lực bảo thủ kinh doanh nông sản và các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ là rất khó khăn, cũng bởi vì chính họ cũng là các lực lượng nắm giữ ngành dược phẩm. Ông nói: “Ngoài việc sản xuất thuốc độc, họ cũng sản xuất cả thuốc chữa nữa, và như vậy chu kỳ quay vòng sinh lãi của họ ngày càng tăng”.