Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 14.000 ha đất sản xuất nông nghiệp Long An và Tiền Giang
Ngày 20/2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Long An.
UBND tỉnh Long An kiến nghị thực hiện một số dự án cấp bách nhằm thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển Nông nghiệp bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Trong đó có dự án sửa chữa cầu qua cống Bắc Đông và cầu qua cống Rạch Chanh (công trình trên tuyến Quốc lộ 62 hiện đang xuống cấp trầm trọng không đảm bảo giao thông); Hệ thống các cống ngăn mặn cặp Quốc lộ 62; Hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa (chanh, thanh long, nuôi bò thịt, bò sữa…); Dự án hạ tầng kỹ thuật vùng chuyên canh cây chanh xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ và xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc (đoạn 2); Kè chống sạt lở đê bảo bảo vệ thị xã Kiến Tường; Đê bao thị trấn Tân Hưng.
Theo Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, công trình cống Rạch Chanh, thành phố Tân An và cống Bắc Đông, huyện Thủ Thừa trước đây do Bộ NN&PTNT đầu tư vào năm 1993 với mục đích ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hai vùng dự án kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh An Phong – Mỹ Hòa – Bắc Đông thuộc hai tỉnh Long An và Tiền Giang.
Hiện nay, qua quá trình khai thác và sử dụng, công trình đã xuống cấp. Về hệ thống các cống ngăn mặn cặp Quốc lộ 62, dọc tuyến Quốc lộ này còn các kênh, rạch tự nhiên nối thông kênh chính do Bộ đầu tư với sông Vàm Cỏ Tây chưa được đầu tư cống ngăn mặn.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài cùng với triều cường dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 14.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang và nguồn nước sinh hoạt của hơn 5.300 hộ dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
(Ảnh minh họa) |
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Long An đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ tỉnh triển khai hệ thống cống ngăn mặn.
Ông Lê Văn Hoàng cho biết, hàng năm, do ảnh hưởng lũ từ sông Mê Kông, lưu lượng dòng chảy đổ qua khu vực Đồng Tháp Mười tỉnh Long An thoát qua sông Vàm Cỏ Tây khá lớn và ảnh hưởng tác động của sóng do tàu thuyền đi qua.
Hiện tượng xói mòn các bờ sông diễn biến phức tạp, có nguy cơ sạt lở các tuyến đê bao bảo vệ dân cư và các công trình hạ tầng khác trong khu vực, trong đó có tuyến đê bao bảo vệ thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An.
Do vậy, công trình này cần được đầu tư xây dựng, góp phần hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ổn định đời sống nhân dân.
Trước các kiến nghị của UBND tỉnh Long An, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tỉnh Long An cần đánh giá lại và lựa chọn theo thứ tự ưu tiên.
Đối với việc xây dựng hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Long An cần ra quyết định công nhận vùng sản xuất nông nghiệp, rồi lựa chọn thiết chế hạ tầng nhà nước có thể hỗ trợ.
Sắp tới, Bộ sẽ thành lập tổ khảo sát làm việc cụ thể tại tỉnh Long An về các kiến nghị của tỉnh.