Giao dịch đất nền Lâm Đồng năm 2023 giảm mạnh
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về số lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản thông qua công chứng, hợp đồng trong quý IV/2023.
Theo đó, phân khúc đất nền tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 4.140 giao dịch (giảm 790 giao dịch so với quý trước) với tổng giá trị hơn 4.742 tỷ đồng. Nhà riêng lẻ có tổng cộng 288 giao dịch (giảm 89 giao dịch so với quý trước) với tổng giá trị hơn 1.537 tỷ đồng, căn hộ chung cư chỉ có 10 giao dịch. Riêng phân khúc nhà ở xã hội không phát sinh giao dịch.
Số lượng giao dịch đất nền trong khu dân cư hiện hữu tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 797 giao dịch, huyện Lâm Hà với 753 giao dịch, huyện Đức Trọng với 738 giao dịch, huyện Di Linh với 429 giao dịch và TP Bảo Lộc với 375 giao dịch. Nhìn lại quý IV/2022, Lâm Đồng có 6.633 giao dịch đất nền thành công qua công chứng, chứng thực với tổng giá bán hơn 7.173 tỷ đồng.
Trước đó, trong 9 tháng đầu năm, phân khúc đất nền tại tỉnh này ghi nhận khoảng 13.336 giao dịch với tổng giá trị hơn 11.600 tỷ đồng. Như vậy, tính lũy kế cả năm 2023, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận tổng cộng hơn 17.400 giao dịch đất nền, giảm 63% so với năm 2022 (hơn 47.500 giao dịch).
Thông tin về tình hình bất động sản địa phương này, bà Lê Thị Thắm, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) tại Lâm Đồng cho biết trong năm 2023, thị trường bất động sản phải đối mặt với thách thức, nguồn cung, thanh khoản suy giảm không chỉ ở Lâm Đồng mà còn là tình hình chung của toàn thị trường.
Tình hình giao dịch trầm lắng, niềm tin của các nhà đầu tư bị lung lay, khó khăn khiến hàng loạt doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Những doanh nghiệp còn tồn tại trên thị trường phải nỗ lực gấp nhiều lần so với giai đoạn trước để có thể vượt qua thách thức.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản Lâm Đồng cuối năm đã có những chuyển biến nhẹ, lượng khách hàng tìm kiếm bất động sản cũng tăng so với các quý trước. Trong đó, nhu cầu về mua chung cư, nhà ở với mức giá khoảng 2 - 7 tỷ đồng tăng nhiều, chủ yếu đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.
“Phân khúc đất nền hiện có giao dịch nhưng vẫn còn chậm. Khách hàng hoặc nhà đầu tư quan tâm chủ yếu đến đất sào có hướng, vị trí đẹp, để xây trang trại, nông trại... Còn riêng đất phân lô, đất nền hiện thanh khoản còn khá chậm”, bà Thắm đánh giá.