Giao dịch cổ phiếu NCB tăng đột biến và dấu hỏi về sự chuyển dịch cơ cấu cổ đông
Khối lượng giao dịch cổ phiếu tăng đột biến
Trong vài tháng gần đây, cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã gây chú ý trên thị trường khi cả khối lượng giao dịch và thị giá đều tăng mạnh.
Kể từ đầu tháng 12/2020 đến 30/3/2021, đã có tổng cộng 566 triệu cổ phiếu được "sang tay", vượt qua số lượng cổ phiếu lưu hành của NCB (406,8 triệu cổ phiếu).
Trong đó, khoảng 410 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trên sàn với khối lượng trung bình mỗi phiên đạt hơn 5 triệu cổ phiếu, cao hơn 2 đến 3 triệu đơn vị so với trước đó.
Đáng chú ý, có 156 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, tương đương với giá trị lên tới hơn 1.556 tỷ đồng (xấp xỉ 38% vốn điều lệ của ngân hàng). Các giao dịch đột biến tập trung vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1.
Cũng trong khoảng thời gian này, thị giá cổ phiếu NVB tăng hơn 87%, từ mức 8.100 đồng/cp (1/12/2020) lên mức 15.200 đồng/cp ( 30/3/2021). Qua đó, vốn hóa của nhà băng này đã tăng lên hơn 6.232 tỷ đồng.
Khối lượng giao dịch lớn là dấu hiệu cảnh báo có thể có sự thay đổi cơ cấu cổ đông của ngân hàng trong thời gian qua. Trong đại hội cổ đông sắp tới, NCB cũng dự kiến bầu bổ sung một thành viên HĐQT.
Sôi động giao dịch của các cổ đông nội bộ và những người liên quan
Gần đây nhất, Tổng Giám đốc NCB Phạm Thế Hiệp cùng Phó Tổng Giám đốc Dương Thị Lệ Hà đã mua vào lần lượt 1,3 triệu cổ phiếu và 1 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, vào giữa tháng 12/2020, CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định cho biết bán ra hơn 18 triệu cổ phiếu NVB, giảm tỷ lệ sở hữu tại NCB xuống 2,86%, không còn là cổ đông lớn của ngân hàng từ ngày 23/12.
Trước đó vào cuối tháng 11, ông Nguyễn Trần Trung Sơn, con trai ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT NCB, đã mua 7,13 triệu cổ phiếu trên tổng số 9 triệu cổ phiếu đăng ký trước đó nhằm phục vụ mục đích đầu tư tài chính dài hạn.
Sau giao dịch, lượng cổ phiếu NVB do ông Sơn nắm giữ tăng từ 9,16 triệu đơn vị tăng lên gần 16,3 triệu đơn vị, tương đương khoảng 4% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong khi đó, Chủ tịch NCB cùng vợ là bà Trần Hải Anh, Ủy viên HĐQT NCB, sở hữu lần lượt là 6,5 triệu cổ phần (1,6%) và hơn 20 triệu cổ phần (4,96%), tính đến cuối năm 2020.
Như vậy, riêng nhóm Chủ tịch NCB và người nhà tổng cộng sở hữu gần 43 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 10,5%.
Tính đến ngày 31/12/2020, NCB có tổng cộng 681 cổ đông. Trong đó có 637 cổ đông cá nhân trong nước, nắm giữ 79,99% cổ phần; 24 pháp nhân trong nước sở hữu 15,52%, pháp nhân nước ngoài nắm 4,43%.
Gian nan con đường tăng vốn
Trong năm 2020, NCB từng tham vọng với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng trong năm nay thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, cổ đông hiện hữu nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Đến cuối tháng 2 vừa qua, cổ đông ngân hàng đã thông qua phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu NVB cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Thời gian dự kiến phát hành từ quý I/2021 - quý II/2021.
Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 1.500 tỷ đồng, từ hơn 4.100 tỷ đồng lên hơn 5.600 tỷ đồng (thấp hơn kế hoạch đặt ra năm trước).
Với số vốn được tăng thêm, ngân hàng dự kiến dùng 50 tỷ để thay đổi và xây dựng hình ảnh hương hiệu, 150 tỷ để đầu tư phát triển hạng mục Digital Banking, khoảng 300 tỷ tăng vốn bổ sung cho công ty AMC, và 1.000 tỷ còn lại để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh phát hành cổ phiếu mới, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm 2021.
Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 6 năm và giá phát hành bằng mệnh giá, hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Giá chuyển đổi dự kiến sẽ do HĐQT quyết định theo ủy quyền của ĐHĐCĐ, tuy nhiên không thấp hơn 10.000 đồng/cp.
NCB cho biết, số tiền thu được từ phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đáp ứng nhu cầu cho vay đối với các dự án trung và dài hạn và để đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.