Giằng co lợi ích kéo dài chuyện trần lãi vay?
Thế nhưng, từ đầu tuần này, một loạt tờ báo cùng phản ánh: các tổ chức tín dụng vẫn loay hoay chưa biết tới đây sẽ phải tuân thủ như thế nào.
Nguyên do, có khác nhau giữa quy định của các bộ luật, khác biệt lợi ích giữa bên cho vay và đi vay.
Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất vay tiền theo các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm).
Nhưng theo Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, nhưng lại “theo quy định của pháp luật”.
Khác biệt giữa hai quy định trên dẫn tới vướng mắc trên thực tế, khi chỉ còn vài ngày nữa Bộ luật Dân sự năm 2015 chính thức có hiệu lực.
Hiện phần lớn lãi suất cho vay các tổ chức tín dụng áp với doanh nghiệp và cá nhân đều nằm dưới trần 20%/năm như trần quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, nhưng nhiều khoản vay khác như qua thẻ tín dụng, vay tiêu dùng qua công ty tài chính… có lãi suất trên 20%/năm, thậm chí trên 30%/năm.
Những mức lãi suất cho vay đó có vượt trần và phạm luật hay không? Và trong tương lai, giả dụ lãi suất tăng cao và lãi vay nói chung vượt mốc 20%/năm thì sao?
Như trên, một loạt tờ báo đã có thông tin phản ánh, cũng như đã gần hai năm kể từ khi dự thảo, xây dựng và thông qua Bộ luật Dân sự 2015, nhưng vẫn chưa có giải đáp một cách chính thức và chốt lại trọn vẹn những câu hỏi trên.
Còn theo ý kiến của một số chuyên gia luật, những mức lãi suất cho vay trên 20%/năm hiện nay, cũng như trong tương lai, có thể xét ở diện được tự thỏa thuận giữa các bên mà không thuộc phạm vi điều chỉnh trần 20%/năm nói trên.
Bởi lẽ, cơ chế cho tự thỏa thuận đã có trong Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010; Bộ luật Dân sự 2015 cũng mở ra một hướng loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất cho vay 20%/năm nếu “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Ngược lại, nếu xét theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cho phép các bên được tự thỏa thuận, nhưng lại có điều kiện đính kèm là “theo quy định của pháp luật”, mà Bộ luật Dân sự 2015 cũng là quy định của pháp luật.
Trong những phản ánh vừa qua, các chuyên gia luật đặt ra yêu cầu phải làm rõ những vướng mắc trên, thậm chí điều chỉnh lại quy định trong các luật liên quan, hoặc cấp có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể. Điều này tránh vướng mắc trong thực tế, đặc biệt khi phát sinh những tranh chấp, kiện tụng.
Thực ra, yêu cầu đó đã đặt ra cả chục năm qua, kéo dài cho đến nay mà vẫn chưa hết vướng mắc. Đây là sự giằng co lợi ích giữa hai phía: một mặt, luật quy định trần lãi suất cho vay để bảo vệ người vay vốn, chống cho vay nặng lãi; mặt khác, có những trường hợp nó lại không phù hợp với thực tế hoạt động cho vay, điều kiện để cho vay được của các tổ chức tín dụng.
Từng nổi lên từ những năm 2006-2007, khi Ngân hàng Nhà nước có đề xuất sửa các quy định luật liên quan, câu chuyện trần lãi suất cho vay trở nên nổi bật với mốc sự kiện ngày 19/5/2008 - Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 3168/VPCP - KTTH cho phép Ngân hàng Nhà nước thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cơ bản thay cho cơ chế lãi suất thoả thuận. Theo đó, trần lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 được tuân thủ.
Tuy nhiên, đến ngày 23/1/2009, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 01/2009/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Cơ chế trần vừa thực hiện chưa đầy một năm trước đó lại không nguyên vẹn.
Suốt những năm sau đó, câu chuyện trần lãi suất cho vay như thế nào, quy định và thực hiện thực tế vẫn luôn có nhiều tranh luận tại nhiều diễn đàn, đặc biệt nổi bật trong thảo luận tại diễn đàn Quốc hội khi xây dựng để rồi thông qua Bộ luật Dân sự 2015.
Và cho đến nay, khi Bộ luật Dân sự 2015 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2017 này, những vướng mắc vẫn còn đó và tiếp tục chờ đợi một sự chốt lại trọn vẹn.