|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gian nan cuộc đua mở đường bay thẳng tới đất Mỹ

15:09 | 30/03/2021
Chia sẻ
Trải qua rất nhiều vấn đề về pháp lý, chi phí vận hành, điều kiện tàu bay... thậm chí COVID-19, hai hãng hàng không Bamboo Airways và Vietnam Airlines đều đã tuyên bố kế hoạch mở đường bay thẳng Việt - Mỹ vào cuối năm nay.

Đường bay thẳng Việt - Mỹ "nóng" lên nhờ COVID-19

Ngay từ đầu những năm 2000, việc mở đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ luôn là tham vọng chưa thực hiện được của các hãng hàng không Việt. Những vấn đề về pháp lý, chi phí vận hành, điều kiện tàu bay... là rào cản khiến cho các hãng bay vẫn loay hoay suốt gần 20 năm qua.

Phải tới cuối năm 2020, việc mở đường bay thẳng tới nước Mỹ mới có dấu hiệu khởi sắc khi Bamboo Airways được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho phép khai thác các chuyến bay thẳng giữa Mỹ và Việt Nam vào cuối năm ngoái, đồng thời hãng cũng sẵn sàng cho dự định bay thẳng tới Mỹ trong quý IV tới.

Hội đồng quản trị của hãng hàng không Vietnam Airlines vào tháng 3 này cũng đã chấp thuận kế hoạch bay thẳng thương mại đến Mỹ, theo nguồn tin từ TTXVN. Trong giai đoạn đầu, hãng sẽ xin phép bay thường lệ với nhà chức trách Mỹ cho đến khi phục vụ hết nhu cầu hồi hương người Việt, sau đó sẽ khai thác thương mại thường lệ từ năm 2022.

Số liệu từ Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải cho hay lượng khách Mỹ sang Việt Nam mỗi năm khoảng 700.000 lượt, trong khi lượng khách Việt Nam sang Mỹ cũng ở mức 100.000 lượt.

Tuy nhiên, đó là số liệu thống kê từ trước khi dịch COVID-19 diễn ra. Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019. Trong đó, khách đến từ châu Mỹ giảm 75,7% so với năm 2019.

Gian nan cuộc đua mở đường bay thẳng tới đất Mỹ - Ảnh 1.

Tàu bay thân rộng 787-9 của Bamboo Airways. (Ảnh: Bamboo Airways).

Mặc dù du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, dự đoán khi triển vọng tiêm chủng vắc xin trên toàn cầu có chuyển biến tích cực sẽ tạo động lực "bùng nổ" cho ngành hàng không vào cuối năm, đồng thời Bamboo Airways đặt kế hoạch mở rộng đội bay từ 29 lên 40 máy bay trong năm nay.

Với Bamboo Airways, Bộ Giao thông vận tải Mỹ đã cấp giấy phép cho hãng vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ bằng tàu thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, hiện Bamboo Airways có 3 chiếc.

Điều kiện khắt khe, chi phí vận hành đắt đỏ

Về pháp lý thì Việt Nam đã đàm phán ký kết hiệp định hàng không tới Mỹ từ năm 2003. Các đường bay từ Việt Nam đi/đến Mỹ với tần suất 7 chuyến/tuần, theo Tạp chí Hải quan.

Có thể sử dụng thương quyền 5 (quyền vận tải hàng không thương mại cấp cho các hãng hàng không của một quốc gia) để bay giữa Việt Nam và Mỹ đến tất cả các điểm trừ Nhật Bản. 

Về năng lực, muốn bay đến Mỹ thì các quốc gia đều phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ đánh giá. Hiện, Việt Nam đã hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, nhân lực, công cụ quản lý để được Mỹ công nhận đạt tiêu chuẩn CAT 1 (năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1).

Về an ninh hàng không, các sân bay xuất phát từ Việt Nam đến Mỹ phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ phê chuẩn đủ điều kiện. Hiện hàng năm, cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ thường cử các đoàn chuyên gia sang đánh giá bởi dù Việt Nam chưa có đường bay thẳng nhưng có đường bay nối chuyến đến Mỹ.

Gian nan cuộc đua mở đường bay thẳng tới đất Mỹ - Ảnh 2.

Máy bay Boeing B787-9 có thể bay thẳng đến Mỹ hoặc thông qua một điểm dừng kỹ thuật tại Nhật. (Ảnh: Thanh niên).

Vấn đề chi phí vận hành cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong một sự kiện vào năm 2019, lãnh đạo Bamboo Airways đưa ra tính toán, tổng chi phí thuê máy bay, nhiên liệu, chi phí kỹ thuật cho mỗi chuyến bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ tiêu tốn của hãng 113 tỷ đồng/tháng cho một máy bay Boeing 787-9 với tần suất khai thác 17 chuyến mỗi tháng.

Nếu Bamboo Airways bán vé ở mức 1.100 USD cho 240 khách mỗi chuyến sẽ lỗ nhẹ, còn đưa giá vé lên 1.300 USD, hãng sẽ lãi 8 tỷ đồng/tháng. Tuy vậy, đây mới chỉ là con số ước tính, thực tế từ trước khi dịch COVID-19 xảy ra, chưa có hãng bay nào của hai nước khai thác đường bay thẳng này.

Trước đó, hai hãng bay lớn của Mỹ là United Airlines và Northwest đều đã phải dừng khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ lkhi cả hai đường bay này không hấp dẫn về mặt thương mại.

Trong khi đó, mặc dù sở hữu đội tàu bay có thể phục vụ cho các chuyến bay thẳng tới Mỹ, đại diện Vietnam Airlines từng cho hay hãng sẽ lỗ trong khoảng 5 năm đầu tiên, mức lỗ có thể lên tới hơn 30 triệu USD mỗi năm.

Tường Vy