|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giảm tình trạng 'xếp hàng dài' đổ xăng

20:14 | 15/11/2022
Chia sẻ
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, đảm bảo tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đến ngày hôm nay 15/11, thị trường xăng dầu đã "giảm nhiệt", tình trạng người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng ở nhiều nơi đã giảm đáng kể.

 Cửa hàng xăng tại Thành Công sáng 15/11. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN).

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội thời điểm 14 - 15 giờ chiều 15/11, tại nhiều cây xăng trên tuyến đường Trần Quang Khải, Võ Thị Sáu, Trần Khát Chân, Trần Hưng Đạo, Thanh Nhàn…, người dân đã không còn chịu cảnh xếp hàng dài, chờ đợi tới lượt đổ xăng.

Theo Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 1 (đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm) Chử Văn Minh cho biết, lượng người dân đổ về cửa hàng mua hàng đang giảm dần, không còn tình trạng xếp hàng kéo dài như thời điểm trước khi tăng giá xăng dầu ngày 11/11. Cụ thể, ngày 12/11, sản lượng xăng dầu bán ra của cửa hàng ở mức 93m3, giảm khoảng 10% so những ngày trước, trong khi ngày cao điểm tăng lên tới 120-125m3/ngày.

Tương tự, Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 73 (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) Nguyễn Trung Đắc nhận định, sau khoảng thời gian tăng đột biến, nhất là những ngày đầu tháng 11, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng tới 150%, lên 30 m3/ngày thì nay bắt đầu giảm dần. Tính đến cuối giờ chiều ngày 13/11, sản lượng bán ra của cửa hàng đạt khoảng 7-8 m3/ngày.

Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Hà Nội (đơn vị trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 1-Petrolimex 1) Đỗ Hoàng Hà khẳng định, từ chiều ngày 12/11, lượng khách hàng đến mua xăng dầu tại các cửa hàng trực thuộc đơn vị đã giảm, đến hôm nay, tình trạng này đã chấm dứt và trở lại bình thường.

Ông Hà cũng cho biết thêm, ngày 11/11 vừa qua là ngày đạt đỉnh cao nhất, với sản lượng bán ra đạt gần 2.400 m3 (trung bình chín tháng năm nay, sản lượng 1.240 m3/ngày) do một số cửa hàng xăng dầu ngoài hệ thống của Petrolimex đóng cửa, dừng kinh doanh, khiến người tiêu dùng đổ dồn về các cửa hàng trực thuộc Petrolimex mua hàng. Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào chiều ngày 11/11, tuy người dân xếp hàng dài đợi đến lượt mua tại các cửa hàng xăng dầu vẫn đông, nhưng lượng bán ra đã giảm xuống còn gần 2.000 m3 trong ngày 12/11 và tiếp tục giảm mạnh vào ngày 13/11.

Hiện các cửa hàng xăng dầu ngoài hệ thống Petrolimex đã mở bán trở lại, nguồn cung tăng lên, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, cảnh người dân xếp hàng dài không còn nữa, ông Hà cho hay.

Tại cây xăng dầu 436 Trần Khát Chân (Công ty CP Xăng dầu HFC) nằm ở ngã 4 giao giữa Trần Khát Chân, Võ Thị Sáu và Chùa Vua, người dân mua hàng trong chiều nay đã không còn tình trạng “chen chúc” như hình ảnh những ngày trước. Nhân viên bán hàng tại đây cho hay, nguồn cung xăng được cung ứng dồi dào hơn, cùng với đó, tâm lý người dân cũng không còn lo lắng về việc thiếu xăng như thời gian qua, nhu cầu sụt giảm khiến tình trạng “ùn ứ” không còn.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (phố Nguyễn Chính) cho hay, hôm nay đi đổ xăng đã không còn cảnh đông đúc như trước, việc đổ xăng diễn ra nhanh hơn, các cây xăng cũng không còn tình trạng hạn chế số lượng bán ra ở mức 50.000 đồng/lít như những ngày trước.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, thời gian tới, tình hình thế giới còn phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn, do đó Bộ này cho biết sẽ tập trung vào các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo tại công điện mới đây để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho người dân.

Theo đó, bộ sẽ chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Rà soát sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí, xem xét điều chỉnh, bảo đảm sát với thực tiễn và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11.

Đối với hai đơn vị đầu mối sản xuất xăng dầu là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Bộ Công Thương nhấn mạnh, yêu cầu 2 đầu mối này duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, hỗ trợ cung ứng cho các thương nhân đầu mối (kể cả các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng dài hạn với nhà máy) để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt tại các khu vực bị thiếu hàng cục bộ.

Đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (Pvoil) chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu, mua trong nước để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Tổng công ty và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Tổng công ty; chia sẻ nguồn cung, chiết khấu cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Đức Dũng